Ngày 30/7, một quan chức chính phủ Indonesia cho biết nước này đã chặn công cụ tìm kiếm Yahoo, dịch vụ thanh toán PayPal và một số website chơi game do không đáp ứng thời hạn đăng ký cấp phép dịch vụ.
Được công bố vào tháng 11/2020, quy định của Indonesia bắt buộc các công ty công nghệ đăng ký giấy phép hoạt động. Theo đó, nhà chức trách có thể yêu cầu công ty xóa nội dung gây rối "xã hội" hoặc "trật tự công cộng", giao dữ liệu người dùng cho cơ quan thực thi pháp luật nếu cần thiết trong 24 tiếng, hoặc 4 tiếng nếu khẩn cấp.
Thông báo website bị chặn khi người dùng truy cập Steam tại Indonesia. Ảnh: TechNave. |
Nếu không ký giấy phép hoạt động, các công ty công nghệ có nguy cơ bị cảnh cáo, phạt tiền hoặc buộc ngừng hoạt động tại Indonesia. Trong thông báo mới nhất, chính phủ nước này cho biết những công ty không đăng ký giấy phép sẽ bị chặn trong 5 ngày.
Nhiều tập đoàn công nghệ như Alphabet, Meta, Apple, Amazon và Microsoft đã đăng ký giấy phép với chính phủ Indonesia. Tổng cộng 207 công ty đã ký giấy phép, một số tập đoàn chỉ đồng ý vài giờ trước hạn chót (hết ngày 20/7).
Đến 30/7, ông Semuel Abrijani Pangerapan, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT và Truyền thông, Bộ Truyền thông và CNTT Indonesia cho biết các dịch vụ bị chặn do không đăng ký giấy phép gồm Yahoo, PayPal, Steam, Dota 2, Counter-Strike, Epic Games cùng một số trang web khác.
Theo Reuters, động thái chặn các website không đăng ký giấy phép tại Indonesia gây làn sóng phản ứng dữ dội trên Internet. Các hashtag như #BlokirKominfo (chặn Bộ Truyền thông), #EpicGames hay #PayPal trở thành xu hướng trên Twitter tại Indonesia.
PayPal và Yahoo cũng nằm trong danh sách website bị chặn. Ảnh: SoyaCincau. |
Nhiều bình luận cho rằng điều đó làm tổn hại đến ngành công nghiệp game của Indonesia, và những người làm việc tự do (freelancer) sử dụng PayPal. Các dịch vụ bị chặn tại hiện Indonesia chưa đưa ra phản hồi.
Với hơn 200 triệu người dùng Internet cùng dân số trẻ, Indonesia là một trong những thị trường lớn của các nền tảng Internet.
Đây không phải quốc gia duy nhất gây khó cho các hãng công nghệ. Trung Quốc và Nga thường xuyên yêu cầu Meta hay Twitter kiểm duyệt nội dung. Năm 2021, Twitter vướng vào tranh cãi với chính phủ Ấn Độ liên quan đến lệnh cấm đăng tweet về biểu tình.