Tối 22/2, người hâm mộ Sơn Tùng M-TP xôn xao khi MV Chúng ta của hiện tại biến mất khỏi nền tảng trực tuyến. Nguyên nhân được thông báo thẳng là "Video này không hoạt động do có khiếu nại bản quyền từ GC".
Đây không phải hiện tượng lạ, đặc biệt trên nền tảng đăng tải video lớn nhất thế giới YouTube. Rất nhiều video từng bị gỡ, hoặc tạm ẩn với lý do bị đánh bản quyền âm nhạc hoặc hình ảnh. Nhưng đây lại là lần hiếm hoi MV của ngôi sao hàng đầu Việt Nam như Sơn Tùng bị tạm gỡ một cách thẳng thừng, với lý do như vậy.
Ngày 22/2, MV Chúng ta của hiện tại bị gỡ do khiếu nại bản quyền từ GC Beats. |
Nhà sản xuất GC Beats là người đã báo cáo lên YouTube vì nhận thấy phần giai điệu của Chúng ta của hiện tại giống với Bruno Mars Type Beat ''IS YOU MINE" - sản phẩm thuộc quyền sở hữu của anh.
Và trong khi GC Beats liên tục trả lời các vấn đề người hâm mộ đặt ra, như tại sao đánh bản quyền, sự việc được giải quyết ra sao... thì Sơn Tùng M-TP một mực giữ im lặng.
Cách làm "vô tiền khoáng hậu" của một nghệ sĩ có tiếng
Đây không phải lần đầu Sơn Tùng và ê-kíp giữ im lặng trước những sự việc xảy ra xung quanh nam ca sĩ. Trái lại, im lặng chính là động thái quen thuộc nhất của giọng ca 27 tuổi.
Trong 9 năm sự nghiệp, nam ca sĩ người Thái Bình từng vướng vào nhiều lùm xùm xoay quanh chuyện "vay mượn" trong âm nhạc. Nhưng chưa bao giờ MV của Sơn Tùng bị gỡ như Chúng ta của hiện tại. Có ý kiến khán giả cho rằng câu chuyện của Sơn Tùng lần này tựa như câu nói "trèo cao, ngã đau". Đứng ở vị thế ca sĩ hàng đầu, việc Sơn Tùng bị phát hiện dùng beat vi phạm bản quyền nghiêm trọng và tai tiếng hơn thời điểm anh mới bắt đầu sự nghiệp ca hát nhiều lần.
Thực tế, quy trình "thuê beat" trong thời gian ngắn hay mua "đứt" bản quyền để sử dụng vĩnh viễn đều khá đơn giản, và cũng không quá đắt đỏ. Nói trên Urban Master Class, Robin Wesley một chuyên gia bán beat - cho biết đôi khi nghệ sĩ chỉ cần bỏ ra đôi ba chục USD để có quyền sử dụng một bản beat trong năm hoặc mười năm, trường hợp đắt đỏ cũng chỉ dao động tới 3-400 USD. Chi phí mua "đứt" bản quyền sử dụng vĩnh viễn một bản beat cũng không tốn hơn bao nhiêu tiền.
Nam ca sĩ người Thái Bình vẫn giữ im lặng từ khi vụ việc nổ ra. |
Sau khi sự việc nổ ra, Sơn Tùng và ê-kíp vẫn kiên quyết giữ im lặng, và nhanh chóng dàn xếp với GC Beats. Khán giả chỉ biết sự việc đã được giải quyết khi GC tuyên bố trên story Instagram: "Đã có một cuộc trò chuyện với CEO của công ty M-TP Entertainment. Chúng tôi đã hiểu hơn về tình huống này và đồng tình với suy nghĩ của nhau. Với lòng thiện chí, tôi đã khôi phục lại đoạn video...".
Lúc này, phía Sơn Tùng chia sẻ lại lời tuyên bố của GC lên fanpage của nam ca sĩ bằng cách đăng bức ảnh chụp màn hình story, thay vì đưa ra một thông báo chỉn chu, chuyên nghiệp.
Bài học về sự chuyên nghiệp và tôn trọng khán giả
Rõ ràng cách làm của Sơn Tùng còn thiếu chuyên nghiệp, từ chuyện vi phạm bản quyền dùng beat nhạc đến cách ê-kíp và chính nam ca sĩ đối diện với truyền thông và dư luận.
Khán giả có lẽ không hẳn yêu cầu Sơn Tùng phải đưa ra tuyên bố "to tát" nào, cũng không mong anh đứng ra thừa nhận bản thân đã dùng beat trái phép. Nhưng khán giả trông đợi nam ca sĩ biết chịu trách nhiệm với công việc, sự nghiệp và danh tiếng của chính mình. Sơn Tùng giờ đây không chỉ hoạt động với tư cách một ca sĩ, anh còn là ông chủ của một công ty giải trí, trách nhiệm phát ngôn đã lớn hơn rất nhiều.
Ở Kpop - môi trường âm nhạc đã ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách, hình ảnh và cách làm việc của Sơn Tùng, các công ty quản lý luôn lên tiếng, trả lời truyền thông và khán giả khi có bất kỳ sự việc nào xảy ra với nghệ sĩ của họ, dù lời tuyên bố đôi khi chỉ mang tính chất an ủi người hâm mộ.
Các công ty giải trí Hàn Quốc có trách nhiệm trả lời khán giả và truyền thông về các vấn đề liên quan tới nghệ sĩ. |
Đơn cử như YG Entertainment, công ty của Big Bang và BlackPink thường đưa ra các câu trả lời như "chúng tôi sẽ xác minh lại với nghệ sĩ" khi được hỏi về scandal liên quan đến nghệ sĩ. Chẳng hạn, phía YG đưa ra tuyên bố "công ty sẽ kiểm tra lại vấn đề ngay và đưa ra câu trả lời sớm nhất" trong các vụ lùm xùm của G-Dragon, scandal nghiêm trọng của Seungri hay chuyện các nghệ sĩ rời công ty.
Trong các vụ "bóc" hẹn hò của nghệ sĩ YG, công ty này cũng sẽ trả lời một cách quen thuộc rằng "chúng tôi không thể trả lời về vấn đề đời tư nghệ sĩ". Cá biệt, khi truyền thông đăng tin Tae Yang và Min Hyo Rin hẹn hò vào năm 2015, đại diện YG Entertainment đã đưa ra một thông báo khiến fan dở khóc dở cười: "Hiện tại chúng tôi không liên lạc được với Tae Yang, nhưng nếu chuyện tình yêu là thật thì chúc mừng cậu ấy".
Hay như SM Entertainment, "ông lớn Kpop" không bao giờ im lặng và luôn cam đoan ngay lập tức rằng "sẽ xác minh vấn đề với nội bộ và thông báo tới khán giả" khi được hỏi về scandal của nghệ sĩ mà công ty quản lý, mà ví dụ gần nhất ở đây là hai scandal liên tiếp vào tháng 10/2020 của Irene (Red Velvet) và Chan Yeol (EXO).
Khi vụ Irene lăng mạ stylist nổ ra, SM nhanh chóng đưa ra phản hồi và trưởng nhóm Red Velvet cũng gửi thư thừa nhận hành động thô lỗ của mình không lâu sau đó. Với bê bối hẹn hò nhiều phụ nữ cùng lúc của Chan Yeol, SM cũng tuyên bố sẽ điều tra và khởi kiện nếu nguồn tin cố tình bịa đặt ác ý, bôi nhọ nghệ sĩ.
Ở Kpop, không thiếu nghệ sĩ tự làm chủ một công ty quản lý, như Sơn Tùng làm chủ M-TP Entertainment, và dĩ nhiên các nghệ sĩ trên vẫn phải tự mình phát ngôn khi có vấn đề xảy ra xung quanh danh tiếng, sự nghiệp của bản thân.
Chẳng hạn, Lee Teuk và nhóm Super Junior đang làm chủ công ty SJ Label, và nhóm đã lập tức trả lời truyền thông về scandal say rượu lái xe của Kang In. Nhóm Hightlight tự lập nên Around Us Entertainment, chính các thành viên giữ vai trò làm chủ, và phải tự đưa ra tuyên bố Yong Jun Hyung rời nhóm vì scandal xem video đồi trụy.
Hay "center quốc dân" Kang Daniel, thông qua danh nghĩa công ty tự lập Konnect Entertainment, cũng phải trả lời về vấn đề bản thân đang hẹn hò với Ji Hyo (TWICE). "Hai người đang gặp gỡ và dành tình cảm tốt đẹp cho nhau", trích thông báo của công ty Kang Daniel về tin hẹn hò với trưởng nhóm TWICE vào năm 2019.
Trong trường hợp nghệ sĩ vướng vào tin đồn thất thiệt, các công ty quản lý càng lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ "gà nhà". Chẳng hạn, khi Park Bo Gum bị tố là người thứ 3 phá vỡ hạnh phúc gia đình của Song Hye Kyo - Song Joong Ki, công ty quản lý Blossom Entertainment đã bác bỏ tin đồn và kiên quyết khởi kiện người tung tin trên. Trong các vụ tố cáo bạo lực học đường rúng động dư luận Hàn Quốc gần đây, những nghệ sĩ bị tố oan như Chuu (LOONA), Sun Woo (The Boyz), Park Ji Hoon... cũng được công ty quản lý lên tiếng bênh vực, minh oan bằng văn bản thông báo rộng rãi. Các công ty trên cũng tuyên bố kiện những người đưa tin sai lệch.
Với các công ty giải trí xứ Hàn, họ có nhiều cách để đối diện với dư luận, nhưng luôn chọn phát ngôn ngay khi sự vụ xảy ra.
Nhiều ý kiến cho rằng Sơn Tùng luôn giữ im lặng trước các sự việc bủa vây quanh mình vì muốn giữ an toàn cho bản thân. |
Lên tiếng trả lời, dù là thừa nhận hay bác bỏ, dù có kế hoạch hành động cụ thể hay mới chỉ là một lời hứa chung chung, không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp trong công việc mà còn thể hiện sự tôn trọng dành cho khán giả.
Tôn trọng là điều kiện tiên quyết để một mối quan hệ tồn tại và phát triển, ở showbiz chính là mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người hâm mộ. Im lặng không phải lúc nào cũng là vàng, đặc biệt là khi người hâm mộ cho rằng lên tiếng chịu trách nhiệm mới là cách nhanh nhất để trưởng thành và trở nên chuyên nghiệp.
Gần nhất, khi ồn ào xảy ra với Hải Tú - "gà nhà" của công ty M-TP Entertainment, liên quan đến chuyện tình cảm. Khi Hải Tú bị bủa vây mới những lời chỉ trích, thóa mạ, bị kêu gọi tẩy chay khắp mạng xã hội, Sơn Tùng và công ty cũng chọn cách im lặng.
Anh Đ.P, một người có kinh nghiệm lâu năm trong việc quản lý nghệ sĩ chia sẻ với Zing: "Dù sự thật là gì, họ có quan hệ tình cảm hay không không quan trọng, quan trọng là Sơn Tùng cần lên tiếng để chấm dứt những tranh cãi xung quanh Hải Tú, tránh để cô ấy chịu tổn thương. Với tư cách chủ tịch công ty giải trí, đây là điều cần thực hiện, mà với tư cách một người đàn ông, đây lại càng là điều nên làm".