Zing.vn dịch lại bài viết của Jason Koebler, người đứng đầu trang Motherboard, kể lại câu chuyện đằng sau công việc mổ bụng smartphone của các chuyên gia đến từ iFixit.
"Tôi nói luôn để khỏi ai thắc mắc gì nhé: Chúng ta sắp phải dành ra cả tuần bay đến Australia, chỉ để chực chờ mua một chiếc điện thoại ất ơ nào đó mà chưa chắc gì ta mua được nữa", tôi thủ thỉ với Kyle Wiens, CEO iFixit và cũng là người lên cái kế hoạch điên rồ này. Tại sao phải băng qua nửa vòng Trái Đất từ Mỹ đến cái xứ này chỉ để mua một chiếc iPhone cơ chứ, chẳng phải cách văn phòng tôi 3 phút đi bộ là một Apple Store sao?
Nhóm chuyên gia iFixit bay từ Mỹ đến Australia để là những người "mổ bụng" iPhone X đầu tiên. Ảnh: Jason Koebler. |
Chúng tôi đã lên máy bay ngay sau khi đặt hàng: một chiếc iPhone X sẽ được giao vào lúc 9h30 sáng tại cửa hàng Apple Store ở phố mua sắm Castle Tower của thành phố Sydney, Australia. Tuy nhiên, không ai dám chắc chúng tôi sẽ nhận được iPhone đúng thời điểm. Việc không có iPhone để mổ xẻ trong ngày đầu tiên mở bán đã từng xảy ra với iFixit.
"Chuyện này đúng nhảm nhí thật. Nhưng là một canh bạc lớn đấy. Nhỡ đâu cửa hàng bán hết sạch iPhone X hay chúng ta đến chậm chân thì đúng thật thảm họa. Lúc ấy, chúng ta phải mua lại từ mấy kẻ khác với giá cắt cổ cho mà xem", Wiens trả lời.
Để đề phòng bất trắc, chúng tôi mang theo bên mình tầm 2.000 USD phòng trường hợp xấu nhất là phải mua lại iPhone X từ người khác. Với bao tâm huyết bỏ ra để trở thành những người đầu tiên trên thế giới sở hữu chiếc smartphone, nhưng chúng tôi không hề có ý định sử dụng. Chúng tôi mổ xẻ nó.
'Mổ bụng' iPhone liệu có cần thiết?
Mỗi một chiếc iPhone đều có thành phần cấu tạo giống nhau, không ít thì nhiều. Cái người ta thường thấy là những bộ phận bên ngoài như camera, màn hình, cổng lighting. Nhưng ít ai có cơ hội thấy những phần ẩn sâu bên trong như thỏi pin, module phát Wi-Fi/bluetooth, bộ vi xử lý, bo mạch chủ cũng như hàng trăm con chip tinh vi và cảm ứng chịu trách nhiệm vận hành thiết bị trơn tru.
Có thể nói không ngoa rằng iPhone chính là sản phẩm thương mai thành công nhất mà con người từng chế tạo. Tuy nhiên, nếu không mở nó ra, chúng ta không thể nào hiểu được cơ chế hoạt động của iPhone cũng như những linh kiện bên trong ngoài những thông tin hạn chế mà Apple cung cấp.
Mổ xẻ thiết bị giúp người dùng biết rõ hơn về linh kiện bên trong. |
Điều này nghe có vẻ hơi phi lý, nhưng trong ngày iPhone ra mắt, mối quan tâm hàng đầu của tôi không phải là tận hưởng nó, mà là chứng kiến cảnh người ta mổ bụng nó càng sớm càng tốt.
Công việc mổ xẻ iPhone này thường được thực hiện bởi bên thứ ba như iFixit chẳng hạn, giúp người dùng trả lời các câu hỏi như: Nhỡ tay làm bể màn hình thì chi phí sửa sẽ thế nào? Có lỗi thiết kế nào như bendgate của iPhone 6 không? Và quan trọng hơn cả, những hãng nào làm linh kiện cho iPhone?
Đây là điều đáng để tâm đến vì bên trong iPhone có rất ít linh kiện do Apple chính tay chế tạo. Lấy ví dụ từ chiếc iPhone X, màn hình OLED thuộc về Samsung, những con chip mạng mua từ Qualcomm và cảm biến camera từ Sony. Apple bán được tới 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm, những gì bên trong đó có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế của nhiều quốc gia.
"Việc mổ bụng iPhone thường niên được xem như là truyền thống trong ngành cung ứng sản phẩm. Cho dù bạn có thích iPhone X hay không, sức ảnh hưởng của nó có thể làm một công ty lụi tàn hoặc khai sinh ra công ty khác", Daniel Ives, chuyên viên phân tích của Apple cho hay.
Tôi đã nhiều lần đề nghị Apple được một lần chiêm ngưỡng bên trong của một chiếc iPhone nhưng đều bị bác bỏ. Chính vì thế, tôi đã nhờ một bên thứ ba đảm nhiệm việc này và iFixit là quyết định đúng đắn.
"Nhiều hãng công nghệ có xu hướng tích hợp vào thiết bị của họ càng nhiều linh kiện phiên bản hạn chế càng tốt và chúng tôi ở đây để giúp người dùng tìm hiểu cách vận hành của chúng", một đại diện của iFixit chia sẻ.
Không phải linh kiện nào của iPhone cũng do Apple sản xuất. |
Và cứ thế, đến mỗi dịp iPhone mở bán, khắp bàn dân thiên hạ từ anh đầu tư chứng khoán, cậu kĩ sư, hay chỉ là vài ông bác cuồng nghệ cho đến đông đảo cộng đồng mạng xã hội khắp Twitter, Facebook, Reddit... ai ai cũng đều háo hức đón chờ bên trong chiếc iPhone nổi tiếng ấy có gì.
Từ đó, họ có thể đưa ra được những quyết định đầu tư đúng đắn. Ví dụ, sau màn mổ bụng iPhone 3G, người ta đã phát hiện ra có 3 linh kiện nhỏ được chế tạo bởi một công ty có tên là TriQuint Semiconductor. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng tới 60%.
"Nếu doanh số bán ra của iPhone vào khoảng 80 triệu đơn vị và một công ty bán chip cho Apple với giá 40 cent, bạn thử làm phép tính nhân mà xem, đó là một khoản lời cực lớn", Stacy Wegner, chuyên gia mổ thiết bị tại Teardown.com chia sẻ.
Nếu việc mổ bụng iPhone quan trọng đến nhường vậy, thì tôi muốn là người chứng kiến nó đầu tiên, cho dù phải vượt nửa vòng Trái Đất.
Cuộc chạy đua mổ bụng iPhone
iFixit không phải là những người đầu tiên, nhưng được biết đến nhiều nhất về khoản bóc tách linh kiện. Trụ sở của iFixit là một tòa nhà hai tầng nằm tại Sain Luis Obispo, bang California kết hợp với một cửa hàng bán linh kiện điện tử.
Để chiếm được lòng tin của cộng đồng, iFixit thường chia ra hai đội làm việc song song và bổ trợ cho nhau. Một nhóm ở lại trụ sở tại California chuyên xử lý các thông tin và đăng tải lên trang web.
Trụ sở chính của iFixit tại bang California, Mỹ. Ảnh: Jason Koebler. |
Trong khi đó, nhóm còn lại bao gồm một kĩ sư có chuyên môn "mổ bụng" iPhone, một thợ ảnh và một quản lý sẽ lên đường tới những nơi iPhone được mở bán từ sớm như Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Australia) hoặc London (Anh). Lần mở bán iPhone X này có Wiens, Jeff Suovanen, kĩ sư mổ xẻ và nhiếp ảnh gia Adam O'Comb tường thuật tại hiện trường.
Theo thông lệ của Apple, iPhone X sẽ được mở bán chính thức vào lúc 8 giờ sáng tại mọi điểm bán. Vì vậy, bay tới Sydney sẽ giúp iFixit có thể "mổ bụng" iPhone X nhanh hơn 16 tiếng so với ngồi chờ ở Mỹ. Mục tiêu của họ là hoàn tất đánh giá và đăng tải lên trang web trước khi chiếc iPhone X đầu tiên được bán ở thành phố New York.
Việc đi một chuyến bay xa như vậy là cần thiết vì iFixit còn đặt mục tiêu là nhóm đầu tiên "mổ bụng" iPhone X trên thế giới. Ngay từ những năm đầu tiên đi "mổ bụng" iPhone, iFixit đã luôn cố gắng để có được những đánh giá nhanh hơn Mitsunobu Tanaka, một nghiên cứu sinh người Nhật Bản có sở thích "mổ bụng" iPhone như là một thú vui.
"Lúc này chúng tôi không có kẻ địch cụ thể nào, vì bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể là đối thủ của chúng tôi"
-Kyle Wiens, CEO iFixit
"Đây luôn là một cuộc đua giữa chúng tôi và Tanaka, anh ấy luôn có lợi thế hơn về mặt múi giờ", Wiens nói. Có vẻ như lần này Tanaka đã rời bỏ cuộc chơi vì iFixit quyết định bay đến Tokyo, Sydney hoặc Melbourne để kiếm cho bằng được chiếc iPhone X sớm nhất.
Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, cuộc đua đã mở rộng ra quy mô toàn thế giới. iFixit từng thất bại trong cuộc đua "mổ bụng" iPhone 7 Plus vào năm ngoái khi những người thực hiện việc này đầu tiên đến từ một diễn đàn công nghệ ở Việt Nam. Trước đó, màn bóc tách iPhone 3GS đầu tiên đã được thực hiện bởi một nhóm người Ba Lan. Thậm chí, nhiều cửa hàng tại Australia cũng đã cạnh tranh với iFixit trong việc xem ai "mổ bụng" iPhone X nhanh hơn.
Luke Soules và Kyle Wiens, hai nhà sáng lập đồng thời là CEO của iFixit. Ảnh: Jason Koebler. |
"Lúc này chúng tôi không có kẻ địch cụ thể nào, vì bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể là đối thủ của chúng tôi", Wiens chia sẻ.
CEO Wiens kể về kỉ niệm của chuyến bay tới Tokyo năm 2011 để đánh giá chiếc iPhone 4S và ông cho rằng đó thật là một thảm họa. Khi đến nơi, Wiens được báo tin có người ở Mỹ đã vừa tiến hành "mổ bụng" iPhone 4S trước khi anh mua được máy tại Nhật Bản. Nguyên do là hãng vận chuyển FedEx gặp nhầm lẫn nên iPhone 4S đã được giao hàng đến tay người dùng sớm hơn vài ngày.
iFixit vượt trội hơn hẳn nhiều đối thủ chuyên "mổ xẻ" hàng điện tử trên khắp thế giới nhờ vào cung cấp các công cụ, cách thức để người dùng phổ thông có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, họ còn bán các linh kiện và sửa chữa iPhone với giá cả phải chăng. Trụ sở của iFixit có hẳn một phòng thí nghiệm và họ đã xây dựng được cả một thư viện các dụng cụ đặc biệt để sửa chữa từng món đồ điện tử khác nhau.
Mổ xẻ iPhone X: Kịch tính như phim
Trong lúc cùng iFixit mua iPhone X tại Australia, tôi có thói quen thăm dò các đối thủ tiềm tàng. Đầu tiên, tôi gọi đến một cửa hàng sửa chữa điện thoại chuyên thực hiện những video "mổ bụng" iPhone tại Australia và được biết Apple Store đã ngừng cho đặt trước iPhone X vì hết hàng, họ sẽ không nhận được iPhone X cho đến đợt bán lần sau.
Sau đó, tôi gửi mail đến một nhóm chuyên "mổ bụng" iPhone khá nổi tiếng có tên là SOSav của Pháp và thở phào khi biết rằng họ sẽ không đến Australia để có được những đánh giá đầu tiên.
"Chúng tôi cảm thấy không cần thiết phải mua trước iPhone X làm gì. Điều đó trái ngược mục đích ban đầu của team là hạn chế tác động của thiết bị điện tử đến môi trường. Nhồi nhét cả đám chúng tôi vào một chiếc máy bay chỉ vì một chiếc smartphone vô tình biến chúng tôi thành kẻ hoang phí", Mikael Thomas, CEO SOSav chia sẻ.
Tôi cũng đã gọi điện tới Apple Store để xác nhận iFixit sẽ chắc chắn có được iPhone X ngay trong những giờ mở bán đầu tiên. Vì sự cố Internet nên iFixit đã không thể đặt trước iPhone X tại Australia sớm được nhưng rất may là một người quen của họ đã đặt giúp một chiếc iPhone X được hẹn lấy vào lúc 9 giờ 30 phút sáng.
Kyle Wiens là người được chạm tay vào chiếc iPhone X đầu tiên. Ảnh: Jason Koebler. |
Wiens lập ra đến 4 kế hoạch A, B, C, D để có thể trở thành người đầu tiên chạm tay vào iPhone X. Trong đó, từ kế hoạch B đến D đều liên quan đến việc bỏ ra cả đống tiền mua lại iPhone X từ những người may mắn sở hữu sớm.
Đêm trước ngày iPhone X lên kệ, tôi đã đến gặp nhóm iFixit tại Circuitwise, một nhà máy sản xuất bảng mạch ở ngoại ô Sydney. Đây là địa điểm lý tưởng để mổ bụng iPhone X vì có máy chụp X-quang và chỉ cách Apple Store có 15 phút đi bộ.
Trong một căn phòng tại tầng hai, các thành viên iFixit đang ngồi họp với nhau. Trên bàn là một đống adapter, cáp lightning và thunderbolt, dụng cụ chuyên dụng, những chiếc iPhone đời cũ, một vài quả chuối, bánh ngọt và nhiều chiếc laptop. Tôi nhận ra rằng họ đang chuẩn bị với tinh thần cao nhất.
"Chúng ta đã trang bị hai valy đầy đủ dụng cụ ở đây, phòng hờ khi các dụng cụ bị hư hay bị thất lạc trong quá trình thực hiện công việc", Lionhart nói. Thực lòng mà nói, chiếc valy tiện lợi đến nỗi bạn có thể chỉ ném chúng ra và thực hiện việc mổ xẻ iPhone ngay tức khắc mà không cần phải tháo lắp cầu kì.
Vì sao iFixit vượt lên trên các đối thủ khác?
Hóa ra kế hoạch A đã thành công mĩ mãn cho nên kế hoạch B đến D là không cần thiết. Nhân viên tại Apple Store đã không quan tâm về giờ đặt trước iPhone X của Wiens là 9 giờ 30 phút và đưa máy cho anh ngay lập tức.
Nhờ vậy, Wiens đã là người thứ hai rời khỏi Apple Store với một chiếc iPhone X trên tay. Giao dịch thành công vào lúc 8 giờ 30 phút sáng và Wiens là người đầu tiên mua được chiếc iPhone X. Sau đó, cả nhóm chạy hộc tốc ra chiếc xe con vừa thuê được, phóng hết tốc lực đến Circuitwise băng qua những cung đường không mấy bằng phẳng tại xứ sở chuột túi. Chúng tôi còn không thèm đậu xe, Wiens lái xe thẳng vào nơi tập kết và lao như bay ra khu vực để thiết bị mổ xẻ.
Tuy nhiên, iFixit đã thua trận này. Một người dùng trên Weibo đã đăng video ngắn về những linh kiện bên trong iPhone X vài tiếng trước khi nó được bán ra ở bất kì đâu trên Trái đất. Video này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng diễn đàn Reddit và được trang tin Macrumors cùng một blog nổi tiếng về Apple đăng tải lại.
Điều đó có nghĩa là iFixit đã chậm chân ngay từ khi họ còn chưa bắt đầu.
Dù vậy, nhóm iFixit vẫn tiến hành mổ xẻ iPhone X như kế hoạch đã đề ra. Khi quan sát họ, tôi đã nhanh chóng nhận ra tại sao iFixit lại có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu chỉ bằng việc mổ xẻ iPhone như thế. Nhờ vào việc xem xét tỉ mỉ từng linh kiện bên trong thiết bị. Chính sự khác biệt này tạo tiền đề cho iFixit vươn lên đứng đầu trong lĩnh vực này.
Cụ thể, iFixit mổ xẻ iPhone không chỉ đơn thuần là tách phần này ra khỏi phần kia mà còn phân tích và nhận dạng từng con chip điện tử trong iPhone, chẳng hạn như công dụng, nơi sản xuất và khả năng sửa chữa trong tương lai, cho phép người dùng hiểu hết tính năng của thiết bị họ đang sử dụng.
Trong vòng 10 tiếng đồng hồ, Wiens và nhóm của anh sẽ dùng những biện pháp đặc biệt để mổ iPhone X. Đầu tiên, họ sẽ dùng máy chụp X-quang để biết được có những gì bên trong iPhone X.
Họ đã nhận được sự trợ giúp của Christopher Jimenez, nhân viên từ một công ty sản xuất máy chụp X-quang có tên là Creative Electron. Sau đó, để tách được hai bảng mạch logic xếp chồng của iPhone X ra với nhau, họ đã phải nhờ tới một nhân viên của nhà máy Circuitwise để vận hành máy hàn công nghiệp.
Tỉ mỉ và kĩ lưỡng giúp iFixit đạt được vị trí như bây giờ. Ảnh: Jason Koebler. |
Theo đánh giá ban đầu của Wiens, Apple đã thực hiện một bước nhảy vọt trên iPhone X. Táo khuyết đã thu hẹp diện tích của bảng mạch logic bằng cách xếp chồng hai bảng mạch vào với nhau. Nếu so sánh, bảng mạch logic của iPhone X chỉ lớn bằng 70% so với iPhone 8 Plus. Nhờ vậy, Apple có thể tăng diện tích dành cho pin thông qua thiết kế hai viên pin hình chữ L trên iPhone X.
Sau khi được mua về bởi iFixit, số phận chiếc iPhone X giờ đây không khác gì một đống phế liệu. Nó nằm đó trên bàn làm việc cùng với các linh kiện đã bị tháo rời, thiết bị sẽ không còn có thể sử dụng được nữa. Một sự hy sinh vì đại cuộc.
"Tháo rời mọi thứ thật ra rất thú vị đấy. Mỗi lần bạn tháo rời thứ gì ra, bạn sẽ học được cách làm cho nó dính lại. Chúng ta đều muốn biết bên trong điện thoại có gì, sau đó iFixit sẽ hướng dẫn cho mọi người sửa chữa thiết bị của họ. Đây chính là một việc làm vì cộng đồng", Wiens chia sẻ.