Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói với Observer rằng ông sẵn sàng cho phép những kho báu chưa từng được trưng bày ở nước ngoài trước đó được triển lãm ở London để những tảng đá cẩm thạch được trở lại Athens vào năm 2021.
Tháng 8, tại Paris, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã yêu cầu Tổng thống Emmanuel Macron trả lại một phần của tác phẩm điêu khắc Parthenon và nhận được phản ứng tích cực bất ngờ. Ảnh: Reuters. |
"Mong muốn và tham vọng của chúng tôi là tạo điều kiện cần thiết cho di sản văn hóa Hy Lạp đi khắp thế giới và nhờ đó quảng bá những đóng góp to lớn và thiết yếu của đất nước chúng tôi cho nền văn minh phương Tây", ông nói trong văn phòng của mình tuần trước.
Tượng đài của di sản văn hóa toàn cầu
"Trong bối cảnh này, với tầm quan trọng của năm 2021, tôi sẽ đề xuất với ông Boris: 'Đầu tiên, hãy cho tôi mượn các tác phẩm điêu khắc trong một thời gian nhất định và tôi sẽ gửi cho ông những đồ tạo tác rất quan trọng chưa bao giờ rời Hy Lạp để trưng bày Bảo tàng Anh'", thủ tướng Hy Lạp gợi ý.
"Acropolis không nhất thiết chỉ thuộc về Hy Lạp. Nó là một tượng đài của di sản văn hóa toàn cầu. Nhưng nếu bạn thực sự muốn nhìn thấy tượng đài trong sự toàn vẹn của nó, bạn phải xem cái mà chúng tôi gọi là các tác phẩm điêu khắc Parthenon. Đó là câu hỏi về việc hợp nhất tượng đài", ông Mitsotakis nói thêm.
Điều đáng chú ý là bao nhiêu phần của điêu khắc Parthenon dài 160 m - tác phẩm nghệ thuật đầu tiên mô tả các vị thần bên cạnh hình người - còn tồn tại.
Đầu của một con ngựa kéo xe từ Parthenon hiện được trưng bày tại Bảo tàng Anh ở London. Ảnh: Alamy. |
Trong khi 50 mét của 115 khối điêu khắc được trưng bày ở Athens, khoảng 80 mét đã bị Lord Elgin, đại sứ của London ở đế chế Ottoman khi đó, tháo dỡ và mang về Anh vào năm 1802.
Tám bảo tàng khác nằm rải rác ở châu Âu cũng lưu giữ các mảnh của tác phẩm điêu khắc này.
Cuộc tranh luận về việc Parthenon Marbles cần phải được mang trả lại Hy Lạp vẫn còn đang tiếp diễn.
"Tất nhiên, yêu cầu của chúng tôi về việc trả lại các tác phẩm điêu khắc vẫn còn. Tôi không nghĩ rằng Anh nên chiến đấu một trận mà họ sẽ thua", ông Mitsotakis nói.
Những mảnh ghép của đền Parthenon
Tuần trước - trong một động thái gần như chắc chắn sẽ gây bối rối cho nước Anh - Pháp đã đáp lại bằng sự nhiệt tình bất ngờ với đề nghị rằng họ cũng sẽ trả lại một phần tác phẩm điêu khắc cho Hy Lạp.
Tác phẩm điêu khắc cổ điển, được Louvre coi là thứ quý giá nhất trong kho tàng của mình, mô tả một nhân mã chiến đấu với một phụ nữ Lapith vạm vỡ, người đang cố gắng giữ lấy chiếc áo choàng đã tuột khỏi vai mình.
Người phụ nữ được miêu tả với bộ ngực và chân trái lộ ra làm nổi bật tính nhân văn và nghệ thuật của Phidias, nhà điêu khắc bậc thầy được Pericles ủy quyền để trang trí ngôi đền.
Tác phẩm điêu khắc Parthenon/Elgin Marbles. Ảnh: Getty. |
Ông Mitsotakis đã đưa ra yêu cầu trong cuộc hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Paris. Trước niềm vui của phái đoàn Hy Lạp, ông Macron phản ứng rất tích cực: người Pháp hứa sẽ xem xét trả lại các vật thể vô giá để đổi lấy việc mượn những huy chương Hy Lạp chưa từng được nhìn thấy cho bảo tàng Louvre.
Đầu năm nay, Giám đốc Bảo tàng Anh Hartwig Fischer đã bác bỏ mọi đề nghị đưa các mảng đá cẩm thạch Parthenon trở lại Athens. Ông mô tả việc các tác phẩm điêu khắc đến Anh như "một hành động sáng tạo".
Sau khi Hải quân Anh đánh bại Pháp ở Ai Cập vào thế kỷ 19, Elgin bắt đầu chiến dịch tích lũy bộ sưu tập của riêng mình, đóng gói các tác phẩm điêu khắc "trong bao riêng để chúng không bị những người tò mò nhận ra".
Các tác phẩm nghệ thuật sau đó đã được tàu chiến chở tới Anh trước khi Elgin bị phá sản và buộc phải bán chúng cho Bảo tàng Anh vào năm 1816.
Athens nói rằng họ không còn muốn suy nghĩ về cách các tảng đá bị gỡ bỏ - vấn đề còn gây tranh cãi hay tập trung vào việc Elgin có được chính quyền Ottoman cho phép lấy chúng đi hay không.
Thay vào đó, chính phủ mới của Hy Lạp cho biết họ muốn tập trung vào trao đổi. Bộ trưởng Văn hóa Lina Mendoni cho biết: "Có 21.000 địa điểm khảo cổ được biết đến ở Hy Lạp. Chúng tôi có gấp 10 lần số lượng chúng tôi có thể triển lãm. Hầu như mỗi ngày một thứ gì đó có giá trị lại được tìm thấy. Chúng tôi muốn xuất khẩu những tài sản văn hóa này".