Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Huỳnh Đức có bắt được 'vía' Chatchai

Tình thế của ông Chatchai bây giờ giống hệt như tình thế của Huỳnh Đức một năm về trước, cái tình thế mà ở đó Huỳnh Đức đã "cùng tắc biến" để "giải nút" thành công.

Huỳnh Đức có bắt được ''vía'' Chatchai

Tình thế của ông Chatchai bây giờ giống hệt như tình thế của Huỳnh Đức một năm về trước, cái tình thế mà ở đó Huỳnh Đức đã "cùng tắc biến" để "giải nút" thành công.

Còn ông Chatchat bây giờ thì sao? Liệu "cái vía" của ông có thắng được "cái vía" của Huỳnh Đức trong suốt 90 phút được dự báo là vô cùng căng thẳng hay không?

Với Đà Nẵng và cá nhân ông thầy Lê Huỳnh Đức thì Pleiku là một mảnh ký ức rất êm đềm. V.League 2008, sau 3 vòng đấu, HLV trưởng Đà Nẵng lúc đó là Phan Thanh Hùng bị trảm trắng tay. Huỳnh Đức lên tiếp quản, và lập tức đưa quân lên phố núi.

Hồi ấy, đặt một Đà Nẵng rệu rã bên cạnh một HA.GL đang vào "phom", ai cũng bảo ngày ra mắt của Huỳnh Đức ẩn chứa trong nó đầy nguy kịch. Nhưng thật đúng với câu "cùng tắc biến, biến tắc thông", Đà Nẵng trong thế đường cùng đã chơi một trận cực hay. 1-0, 1-1, rồi 2-1, Đà Nẵng cứ thế dẫn bàn. Mặc dù những phút cuối trận, HA.GL kịp gỡ hòa 2-2 nhưng đấy cũng được coi là một trận đấu đại thành công của Đà Nẵng.

Sau trận đấu, trên xe từ Pleiku về Đà Nẵng, thầy trò Lê Huỳnh Đức ai cũng cười rôm rả. Nó khác hẳn với trạng thái rầu rĩ cùng một nỗi lo có thật trong chuyến xe đi.

Có thể nói, ở Đà Nẵng, cái vương triều Lê Huỳnh Đức bắt đầu từ 90 phút trên phố núi. Và sau 90 phút thành công ấy, Huỳnh Đức càng lúc càng tự tin, để rồi Đà Nẵng càng lúc càng đi vào điểm rơi phong độ.

Bây giờ lại là phố núi, lại là HA.GL và Đà Nẵng, nhưng thế cuộc đã khác xưa. Bây giờ, chính Đà Nẵng của Lê Huỳnh Đức lại được đánh giá là đội kèo trên. Là kèo trên vì quân Đà Nẵng rất đều, và dàn quân ấy sau hai trận thắng 1 thua 1 cũng đã chứng tỏ là mình chơi rất ăn ý với nhau.

Ở phía đối diện, HA.GL sau những chặng khởi đầu tệ như chưa từng tệ rồi cũng đã tìm được một trận thắng ở Cúp QG trước kình địch ĐT.LA. Thế nhưng, điều đó cũng không có nghĩa đội bóng đã thực sự ổn định.

Cách đây vài hôm, HLV Chatchai đã phải bay về Thái giải quyết việc riêng và gần đây mới trở lại Pleiku. Mới cầm quân mà ông Chatchai đã buộc phải đi đi - về về như thế, không hiểu ông có đủ thời gian để bình định lòng người?

Mặt khác, trả lời báo chí những ngày vừa qua, các ngôi sao của HA.GL đều có những dấu hiệu rất lạ. Thonglao thì bắn tin là sẽ ra đi sau khi mùa giải này kết thúc. Lee Nguyễn thì đàng hoàng lên báo nói hẳn: "Tôi đang thất vọng".

Rõ ràng là ông Chatchai bây giờ khó trước khó sau. Và trong tình thế đầy khó khăn ấy, ông lại phải giăng trận đấu cùng một Huỳnh Đức binh hùng tướng mạnh.

Tình thế của ông Chatchai bây giờ giống hệt như tình thế của Huỳnh Đức một năm về trước, cái tình thế mà ở đó Huỳnh Đức đã "cùng tắc biến" để "giải nút" thành công. Còn ông Chatchat bây giờ thì sao? Liệu "cái vía" của ông có thắng được "cái vía" của Huỳnh Đức trong suốt 90 phút được dự báo là vô cùng căng thẳng hay không?

Cũng với một câu hỏi như thế, rất nhiều người đang đặt ra cho HLV Triệu Quang Hà trong cuộc đối đầu với người đồng đội cũ ở ĐTVN là Trần Công Minh. Chiều nay, Quang Hà dẫn T&T Hà Nội vào Long An đấu với ĐT.LA trong một "cuộc đấu nội bộ" của ĐTVN hiện thời. Nói là "cuộc đấu nội bộ" là vì trong khi T&T Hà Nội sở hữu hai tuyển thủ cứng cựa Công Vinh và Hồng Sơn thì ĐT.LA lại sở hữu cặp bài lão luyện Minh Phương, Tài Em. Bốn con người này, đã từng đồng cam cộng khổ cùng nhau rồi siết tay nhau thi đấu, giúp ĐTVN vô địch AFF Cup 2008.

Giờ bốn người, từng đôi một đứng ở một đầu chiến tuyến. Cuộc chiến riêng tư ấy hẳn rất thú vị. Nó thú vị chẳng kém gì cuộc chiến trên băng ghế huấn luyện giữa Quang Hà với Công Minh. Với tư cách chủ nhà, cùng sự ổn định phong độ trong thời gian này, ĐT.LA vẫn được đánh giá là kèo trên. Nhưng để có thể cụ thể hoá cái "trên" ấy bằng một chiến thắng trước T&T thì không dễ chút nào.

Cũng ở V.League vòng 3, một cuộc đối đầu khác cũng rất đáng chú ý diễn ra trên sân Hàng Đẫy giữa Thể Công và Bình Dương. Thể Công là biểu tượng của bóng đá Việt Nam thời bao cấp. Trong khi đó Bình Dương với 2 chức vô địch V.League liên tiếp cũng xứng đáng cùng với HA.GL và ĐT.LA trở thành biểu tượng của bóng đá Việt Nam thời hiện đại.

Khi biểu tượng đối đầu biểu tượng thì đấy sẽ là 90 phút rất đáng xem và cũng rất khó đoán. Tuy nhiên, Thể Công dẫu sao vẫn được đánh giá là nhỉnh hơn, không hẳn vì họ là chủ nhà, mà vì họ có HLV trưởng Vương Tiến Dũng và trợ lý kĩ thuật Lê Thụy Hải vốn hiểu bóng đá Bình Dương như hiểu từng đường nét trên tay mình.

Ngoại trừ 3 cặp đấu xứng đáng gọi là những cặp đấu đinh nói trên, V.League vòng 3 chứng kiến các cuộc đối đầu giữa Hải Phòng - Nam Định, Thanh Hoá - Sông Lam, TP Hồ Chí Minh - Khánh Hoà, QK4 - Đồng Tháp. Trong các cuộc đối đầu này, ngoại trừ cặp QK4 - Đồng Tháp, tất cả các cặp đấu, ưu thế đều có phần ít nhiều nghiêng về phía chủ nhà.

Theo Công An Nhân Dân

Theo Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm