Đầu tư 42 tỷ đồng, trồng cà phê giống moka, nuôi gần 140 con chồn và cho ăn hạt cà phê chín, sau đó ông thu hoạch phân chồn để làm nên một loại cà phê cao cấp mang thương hiệu Trại Hầm. Sản phẩm đã mang về cho ông 4 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt vốn là một luật sư, chuyên tư vấn đầu tư nước ngoài. Gần 20 năm trước, trong một lần đến chơi nhà người bạn, ông Minh được mời thưởng thức tách cà phê mà hạt lấy từ phân mấy con chồn trong vườn thải ra. “Nhấp một chút, tôi thấy vị có gì đó khác biệt rất lạ. Và rồi, chính câu chuyện làm cà phê này đã cuốn hút tôi”, ông Minh bộc bạch.
Cuốn hút thế nào? Ông Minh lấy ví dụ đơn giản: chi phí đầu tư là ông phải thay đến 4 chiếc xe “2 cầu” trong quá trình đi đến các vùng chuyên cà phê để tìm hiểu học hỏi. Lợi thế của ông là trang trại rộng 2,4 ha đặt ngay tại Trại Hầm, nơi hơn một thế kỷ trước, người Pháp đã chọn để phát triển giống cà phê moka, dòng cà phê chè (Arabica) được ưa chuộng hiện nay.
Trước mặt ông chủ Trại Hầm Nguyễn Quốc Minh là dụng cụ pha cà phê chồn. |
Xác định xu hướng tiêu dùng sản phẩm sạch, ngay từ khi bắt đầu đầu tư, ông quyết định sẽ chỉ làm sản phẩm thuần hữu cơ, không sử dụng hóa chất. Để xây dựng trang trại cà phê thuần hữu cơ này, ông đã nhập hơn 50 con ngỗng từ Hungary, giống ngỗng chịu được thời tiết lạnh của Đà Lạt về nuôi. Phân ngỗng kết hợp phân dê mua từ Bình Thuận lên là nguồn phân hữu cơ tốt nhất cho những cây cà phê.
Ông Minh cho biết, cà phê bắt đầu chín từ tháng 10 đến tháng 1, mỗi lần chồn chỉ ăn khoảng 20% lượng hạt chọn lọc được cung cấp. Sau đó, lượng hạt do chồn thải ra được ủ trong 6 tháng rồi mới đem ra xử lý và chế biến. Vì vậy, sản lượng cà phê chồn thu hoạch trong một năm rất ít, khoảng 200 kg, với giá bán lẻ 20 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, mọi việc không dễ ăn như vậy. Ông chủ trang trại cà phê chồn này kể, ban đầu, ông nhập chồn từ Indonesia về nuôi. Song do khí hậu không phù hợp, lứa chồn đầu tiên đã chết hết. Lần thứ hai, ông tự tìm chồn trong nước về nuôi; chúng lại chết hết do ông chưa có kinh nghiệm điều tiết được lượng thức ăn phù hợp. Lần thứ ba ông mới thành công và đến nay, trang trại đã sở hữu 140 con chồn.
Trang trại của ông Minh hiện là một điểm tham quan của khách thập phương, đặc biệt là người nước ngoài và Việt kiều. Một nhân viên quản lý trang trại cho biết có người ở TP.HCM, chỉ vì muốn mua 1 ký cà phê chồn cho con đang ở Mỹ, đã bay lên Trại Hầm mua rồi quay về trong ngày. “Bác ấy giải thích là ở đây mới có cà phê chồn thật, còn mua ngoài không biết đâu mà lần”, Nam kể.
Cà phê chồn: lỗ
Tháng 2 vừa qua, cà phê chồn của Trại Hầm Đà Lạt đã có mặt tại tiệm cà phê của khách sạn Kim Đô (TP.HCM). Ông Minh cho biết, không muốn quảng bá rầm rộ, bởi trên thực tế, sản phẩm hiện không có đủ để bán cho khách tại chỗ. “Nhưng tôi muốn giới thiệu cho người tiêu dùng một sản phẩm mới ở Việt Nam và cùng nhau thưởng thức xem hương vị nó như thế nào, có gì khác biệt như tôi đang nói với các bạn không”, ông chia sẻ. Mời người viết bài này thưởng thức ly cà phê chồn được pha chế tại bàn, ông Minh cho biết bộ đồ nghề dùng để pha chế này được đặt làm riêng. Tôi thử nhấp một ngụm nhỏ cà phê chồn nguyên chất, không bỏ đường. Hương cà phê thơm nhẹ, thanh, không đắng như cà phê thường uống, màu đen vừa, không có đường nhưng cảm nhận được rất rõ vị ngọt đọng lại đầu lưỡi.
Thực tế, tại Việt Nam, hiện có khoảng 3 công ty sản xuất và bán cà phê chồn là Trại Hầm, Trung Nguyên và Huyền Thoại Núi. Sản phẩm này hiện được bán với giá khá cao. Ngoài Trại Hầm có giá bán 20 triệu đồng/kg, cà phê chồn thương hiệu Weasel của Trung Nguyên có giá lên tới 64 triệu đồng/kg. Và hiện nay Trung Nguyên chỉ làm cà phê chồn với số lượng hạn chế theo đơn hàng. Còn công ty Huyền Thoại Núi có giá bán từ 8 đến 15 triệu đồng/kg, trung bình mỗi tháng bán khoảng 10 ký cho khách hàng đến từ Nga là chính.
Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng cà phê tại Lâm Đồng, Đà Lạt và kể cả TP.HCM hiện có rao bán cà phê chồn với mức giá rất rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng/kg. Theo ông Minh, đa số là cà phê trộn hương liệu hoặc giả chồn. Bởi để có 1 kg cà phê chồn là chuyện không đơn giản. “Một năm chỉ có 4 tháng để cho chồn ăn cà phê và quy trình sản xuất tốn nhiều thời gian, nên không thể có giá rẻ như vậy”, ông khẳng định.
Ông còn cho biết làm cà phê chồn khó lãi. Trại Hầm đang thua lỗ do chi phí đầu tư lớn. Chi phí ban đầu hơn 40 tỷ đồng và mỗi năm vẫn phải đầu tư thêm vào chuồng trại, giống. “Đó là chưa kể sau 4 tháng ăn hạt cà phê, 8 tháng còn lại chồn phải được nuôi bằng thịt, chuối, các loại trái cây và được chuyên viên chăm sóc nên chi phí nuôi trang trại nói chung không thấp”, ông Minh nói. Trung bình một ngày Trại Hầm phải bán được 80 ly cà phê chồn với giá 200.000 đồng/ly mới đủ trả nhân công. Nhưng hiện mới chỉ bán 20-30 ly/ngày, và chỉ những ngày lễ mới bán được khoảng 100 ly/ngày, ông nói thêm.
Cà phê chồn thương hiệu Trại Hầm có giá 20 triệu đồng/kg. |
Nhưng vẫn đầu tư
Hầu hết các công ty làm cà phê chồn đang thua lỗ nhưng ông Minh cho biết mình vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư trong năm nay. “Thị trường cà phê chồn còn nhiều tiềm năng. Xu hướng tiêu dùng sạch, sản phẩm hữu cơ là xu hướng chung của xã hội phát triển”, ông cho biết.
Năm 2014, sau lần đầu tiên đưa những hạt cà phê chồn “tiến về đồng bằng” (bán tại khách sạn Kim Đô), ông Minh dự định sẽ mở vài tiệm tại TP.HCM và cả Hà Nội. Ông nói: “Vấn đề là không đủ cà phê chồn để bán, nên tôi đang nghiên cứu phát triển diện tích trồng cà phê sạch. Nuôi chồn tập trung, làm chuồng lắp ghép để đưa chồn đi ăn cà phê trái vụ, ít nhất có 2 vụ trong một năm. Kế hoạch năm nay phải thu hoạch được 500 kg cà phê chồn, thay vì 200 kg hiện nay”.
Kế hoạch thứ hai là phát triển đàn ngỗng, hợp tác với đối tác nước ngoài để làm sản phẩm gan ngỗng. Có vẻ hơi tham vọng, nhưng ông Minh tiết lộ đang liên kết với một đối tác chuẩn bị mở 2 cửa hàng cà phê đầu tiên tại Hollywood. Một đối tác Nhật đã sang tìm hiểu và đặt vấn đề mua cà phê chồn và một đối tác Hàn Quốc đòi bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê chồn của trang trại (mua nguyên liệu, gắn thương hiệu của Hàn Quốc), nhưng hiện công ty chỉ mới ký bản ghi nhớ. Theo ông Minh, sản phẩm phải được gắn thương hiệu cà phê chồn Đà Lạt của Việt Nam. “Mục tiêu chính của Trại Hầm là tấn công ra thị trường nước ngoài, nếu chỉ bán trong nước không có lợi nhuận. Nhưng bán để mất thương hiệu Việt thì tôi không làm”, ông nói. Trại Hầm cũng đã lên kế hoạch bán nhượng quyền thương hiệu cho đối tác nước ngoài để nhanh chóng thu hồi vốn.
“5 năm nữa tôi sẽ thu hồi vốn, chỉ cần tôi nhượng quyền cho 10 đối tác”, ông Minh tự tin chia sẻ. Tuy nhiên, nếu mở rộng, chắc chắn sản phẩm sẽ bị làm giả. Giải pháp chống hàng giả của ông Minh đưa ra cũng khá độc đáo. Ông không chọn mua tem chống hàng giả mà đặt làm chip điện tử gắn vào mỗi hộp cà phê chồn của Trại Hầm. Mỗi con chip trị giá 2,5 USD. “Chíp điện tử khó làm giả và bảo toàn được thương hiệu tốt hơn”, ông cho biết.