Khi tay vợt số một thế giới Novak Djokovic đặt chân xuống Melbourne hôm 5/1, ngôi sao người Serbia không biết rằng Australia đã không còn là đất nước giống với thời điểm một năm trước, khi anh đến và giành chức vô địch Australian Open, theo Washington Post.
Australia đã khác
Từ câu chuyện thành công chống dịch bằng chiến lược Zero Covid-19, Australia giờ là một trong những nước có số ca mắc tăng nhanh nhất thế giới.
Hệ thống truy vết, xét nghiệm của Australia chao đảo vì số ca mắc Covid-19 tăng theo cấp số nhân, đặt chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison trước sức ép chưa từng có, trong bối cảnh tổng tuyển cử đang đến gần.
Trước sự giận dữ của công chúng vì cấp visa cho tay vợt người Serbia dù anh chưa tiêm vaccine, chính phủ Australia phải hủy thị thực nhập cảnh và tiến đến buộc Djokovic quay trở lại quê nhà.
Vận động viên người Serbia đang ở tại một khách sạn nơi tạm giữ người nhập cư không giấy phép, trong lúc luật sư của anh kháng nghị quyết định của Canberra.
Ban đầu, Thủ tướng Scott Morrison không can dự vào vụ ồn ào của Djokovic. Nhưng sau đó, nhà lãnh đạo Australia lên tiếng bảo vệ quyết định hủy visa của tay vợt Serbia.
"Quy định là quy định, không thể có trường hợp đặc biệt. Chính sách bảo vệ biên giới nghiêm ngặt, đặc biệt liên quan tới dịch bệnh, giúp Australia có tỷ lệ tử vong thuộc loại thấp nhất thế giới", Thủ tướng Morrison tuyên bố, theo Guardian.
Thủ tướng Australia Scott Morrison bảo vệ quyết định đột ngột hủy visa của Djokovic. Ảnh: AFP. |
Một số nhà phân tích cho rằng vụ ồn ào của Djokovic là cơ hội để Thủ tướng Morrison bẻ lái dư luận khỏi cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 lan rộng, các bất cập trong xét nghiệm cũng như chiến dịch tiêm chủng bị gián đoạn.
Tuy nhiên, các ý kiến khác cảnh báo vụ việc càng ầm ĩ, người ta sẽ càng chú ý tới quyết định cấp visa cho tay vợt người Serbia ngay từ ban đầu, cho thấy chính quyền của ông Morrison dễ mắc sai lầm như thế nào.
"Bê bối lần này không thể định đoạt kết quả cuộc bầu cử, nhưng có thể là cơ hội để đảng Lao động chỉ trích chính phủ đã đưa ra những quyết định thiếu cẩn trọng, thiếu nhất quán và nhiều xáo trộn", Paul Williams, chuyên gia khoa học chính trị Đại học Griffith, nhận xét.
Tình huống của tay vợt Djokovic không phải lần đầu tiên việc người nổi tiếng được đối xử đặc cách làm dấy lên tranh luận ở Australia.
Các ngôi sao Hollywood được phép thoải mái ra vào Australia mà không bị cách ly, trong khi công dân bình thường đối mặt quy định cách ly nghiêm ngặt, đắt đỏ kéo dài 2 tuần, thậm chí cả khi người thân sắp qua đời.
Trước đó, công chúng Australia cũng tranh luận dữ dội khi đội tuyển rugby của Pháp và Ấn Độ dễ dàng được cấp phép nhập cảnh năm 2020.
Năm ngoái, Djokovic từng đến Australia để thi đấu tại giải Australian Open, sau đó anh giành cúp vô địch lần thứ 3 liên tiếp. Nhưng sau 12 tháng, tình hình tại Australia đã hoàn toàn thay đổi.
Trong thời gian đầu dịch bệnh, số ca mắc Covid-19 ở Australia tương đối ít. Trước niềm đam mê thể thao cuồng nhiệt của người dân, nhà chức trách Australia cho phép một số giải đấu tiếp tục bất chấp nhiều hoạt động kinh doanh phải đóng cửa.
"Thể thao là điều tuyệt vời giúp đoàn kết chúng ta, mang mọi người, mọi quốc gia đến gần nhau", giáo sư Steve Georgakis của Đại học Sydney cho biết.
Nhưng khi số ca mắc Covid-19 trong ngày 5/1 tăng lên mức 72.000, cao gấp 3 lần so với chỉ một tuần trước, việc một số sự kiện thể thao vẫn tiếp tục diễn ra bị xem như dấu hiệu chính phủ đang nhượng bộ vì lợi ích kinh tế bất chấp sức khỏe của người dân.
"Nền thể thao Australia không cho phép hoạt động kinh doanh vi phạm quy định", giáo sư Georgakis nói.
Một sự khác biệt nữa là thực tế gần 94% người Australia đã tiêm vaccine Covid-19. Bởi vậy, người dân xứ sở chuột túi không mấy hoan nghênh việc vận động viên Serbia phản đối tiêm chủng.
Sự giận dữ của người Australia
Australia là đất nước nơi người dân tuân thủ luật lệ, nên việc làm trái quy định Covid-19 đôi khi khiến người vi phạm bị xã hội lên án. Do đó khi Djokovic thông báo trên Instagram rằng vận động viên này được đặc cách nhập cảnh, người dân Australia đã phản ứng quyết liệt.
"Tôi không quan tâm anh ta chơi tennis giỏi cỡ nào. Nếu Djokovic từ chối tiêm chủng, không thể để anh ta nhập cảnh. Việc cho phép ngoại lệ sẽ gửi đi thông điệp xấu tới hàng triệu người khác", Stephen Parnis, cựu chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, viết trên Twitter.
Melbourne, thành phố nơi giải Australian Open diễn ra, đã trải qua thời gian phong tỏa lâu hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Bởi vậy, người dân càng tức giận trước ngoại lệ dành cho Djokovic.
Khi có tin Djokovic bị giữ ở sân bay hôm 5/1 và được yêu cầu về nước, một số người Australia sử dụng mạng xã hội mỉa mai tay vợt này.
Giáo sư Georgakis cho rằng việc cấp visa cho Djokovic từ đầu là quyết định không nhận được sự ủng hộ của đa phần người dân Australia.
Novak Djokovic vô địch Australian Open 2021. Ảnh: Tennis Australia. |
Theo quy định hiện nay, công dân Australia chưa tiêm vaccine Covid-19 được phép về nước và sẽ phải cách ly 2 tuần trong các khách sạn chuyên biệt. Người nước ngoài nhập cảnh phải chứng minh đã tiêm vaccine hoặc được miễn trừ y tế nếu có lý do đặc biệt, theo Reuters.
Phát biểu hôm 6/1, Thủ tướng Morrison cho biết tay vợt người Serbia không có giấy tờ miễn trừ y tế hợp lệ. Tuyên bố của ông Morrison được cho là nhằm đá quả bóng trách nhiệm sang Liên đoàn quần vợt Australia và chính quyền bang Victoria, nơi có thành phố Melbourne.
Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan y tế Victoria Martin Foley phản pháo và cho rằng tiểu bang này không làm gì sai, trách nhiệm thuộc về cơ quan cấp visa cho Djokovic.
Chính phủ Australia cũng đang hứng chịu sức ép từ Serbia. Đáng nói là chỉ vài tháng trước, Canberra cũng rơi vào tình huống khó xử không kém khi rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Paris, dẫn đến căng thẳng ngoại giao chưa từng có với chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.
"Tôi nói với Novak rằng toàn bộ Serbia đứng về phía cậu ấy. Các cơ quan của chúng tôi đang làm tất cả để chấm dứt vụ hạ nhục tay vợt số một thế giới", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói.
Trong ngày 6/1, luật sư của Djokovic đã thành công ngăn chặn việc trục xuất ngay lập tức tay vợt người Serbia. Tòa án cho phép vận động viên này tiếp tục có mặt ở Australia ít nhất tới ngày 10/1 để tham dự một phiên điều trần.