Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Australia tẩy chay Djokovic

Việc lựa chọn không công khai tình trạng tiêm chủng vaccine Covid-19 khiến Novak Djokovic bị phản đối mạnh mẽ tại Australia - đất nước đang trải qua làn sóng dịch lớn chưa từng có.

Việc tay vợt nam số một thế giới Djokovic bị chính quyền Australia hủy bỏ thị thực nhập cảnh xảy ra trong hoàn cảnh không ai ngờ trước, khi anh đã đáp ở Melbourne. Đây là điều bất ngờ với cá nhân Djokovic và những người hâm mộ tennis toàn cầu, bởi chỉ một ngày trước đó, anh tuyên bố bản thân đã được miễn trừ y tế và không cần công khai tình trạng tiêm chủng.

Lãnh đạo xứ sở chuột túi có những phát biểu cứng rắn trước sự việc này, khi Thủ tướng Scott Morrison khẳng định "luật là luật" và "không ai được đứng trên luật pháp".

Djokovic đã đệ đơn kháng cáo. Các luật sư giúp anh tạm thời chưa bị trục xuất khỏi Australia. Tuy vậy, kể cả khi được ở lại, sự chào đón của người dân địa phương với anh vẫn sẽ lạnh nhạt, thậm chí là thù địch.

Dư luận Australia, vốn vừa trải qua những đợt phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài bậc nhất thế giới, bức xúc vì Djokovic được miễn chứng nhận ngừa Covid-19, trong khi tay vợt không chịu công khai lý do của sự miễn trừ này.

Ở một quốc gia từng thực thi các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt và đang trải qua đợt dịch lớn như Australia, người dân khó có thể chấp nhận một tay vợt được miễn trừ chỉ vì sự nổi tiếng của anh ta.

Phản ứng giận dữ

Dù nhiều người cũng không đồng tình cách xử lý bất ngờ của chính quyền Australia bởi Djokovic đã kịp đáp ở Melbourne, ít người thông cảm khi anh tuyên bố mình có thể đến tham dự Australian Open. Tờ Guardian nhận xét phản ứng của công chúng trước quyết định miễn trừ cho Djokovic là “chống đối một cách áp đảo”.

Trên mạng xã hội, nhiều người Australia bày tỏ sự giận dữ và dự đoán Djokovic sẽ không được đón chào một cách tích cực khi bước ra sân thi đấu.

djokovic bi huy visa anh 1

Người Australia không mấy ủng hộ quyết định cho phép Djokovic tranh tài tại Australian Open. Ảnh: Eurosport.

Bác sĩ Stephen Parnis, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, gọi đây là quyết định “kinh khủng”.

“Tôi không quan tâm anh ấy là tay vợt giỏi thế nào. Nếu từ chối tiêm vaccine, anh ấy không nên được cho nhập cảnh”, ông Parnis viết trên Twitter. “Nếu thông tin về sự miễn trừ là chính xác, điều này gửi một thông điệp khủng khiếp đến hàng triệu người muốn giảm thiểu rủi ro Covid-19 cho chính họ và những người khác”.

“Tiêm vaccine cho thấy sự tôn trọng, Novak ạ”, ông nói.

“Người nào đánh bại Djokovic tại Australian Open có thể sẽ không bao giờ phải trả tiền mua bia tại Australia”, Trợ lý biên tập Matt Walsh của ESPN nói đùa.

Ông David Southwick, Phó chủ tịch Công đảng tại bang Victoria, gọi đây là “sự hổ thẹn”.

“Chúng ta đã phong tỏa 6 lần. Các trường học và doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, đám tang và đám cưới không được tổ chức, các gia đình bị chia tách hàng tháng, rồi một ngôi sao tennis được miễn trừ”, ông viết. “Một điều thất vọng cho mọi người dân bang Victoria”.

Đồng quan điểm, bà Christine Wharton, một người dân thành phố Melbourne, cũng coi đây là một nỗi hổ thẹn.

“Chúng tôi đã làm mọi điều đúng đắn, chúng tôi đều đi tiêm vaccine. Rồi một người từ nước ngoài đến, được miễn trừ và có thể chơi tennis. Tôi nghĩ đây hoàn toàn là một nỗi hổ thẹn. Tôi sẽ không xem giải đấu nữa”, bà nói với ABC.

Nguyên nhân đằng sau

Một nguồn tin từ Liên đoàn Tennis Australia nhận định Djokovic có thể không bị trục xuất nếu không gây ồn ào trong thời gian qua. Trước Djokovic, truyền thông Australia cho biết ba tay vợt chưa rõ danh tính cũng đã nhập cảnh Australia sau khi được miễn trừ.

Giám đốc điều hành Australian Open Craig Tiley cho biết 26 người nộp đơn xin miễn trừ, nhưng chỉ “số ít” được phê duyệt.

Trong làng banh nỉ, Djokovic là tay vợt nổi tiếng nhất công khai bày tỏ quan điểm phản đối tiêm vaccine. Anh cũng chưa công khai tình trạng tiêm chủng của mình, gọi đây là “quyết định cá nhân” và “vấn đề riêng tư”.

djokovic bi huy visa anh 2

Djokovic chưa thể nhập cảnh vào Australia, dù đã được ban tổ chức Australian Open miễn trừ y tế. Ảnh: Guardian.

Khi ban tổ chức giải Australian Open đề ra yêu cầu tiêm chủng hai mũi với các vận động viên tham dự, nhiều người nghĩ cánh cửa bảo vệ chức vô địch của anh đã khép lại.

Bỗng nhiên, ngày 4/1, Djokovic thông báo bản thân đã nhận được miễn trừ y tế để có thể tham dự giải đấu. Điều này gây ra làn sóng giận dữ bên trong Australia. Đây có thể là lý do anh bị cơ quan biên phòng để ý đến.

Theo ký giả Paul Sakkal của tờ The Age, Djokovic đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh anh được miễn trừ trước cơ quan chức năng ở sân bay.

Luật pháp của Australia trao nhiều quyền về quản lý biên giới cho chính quyền liên bang. Dù hai hội đồng y tế của Liên đoàn Tennis Australia và chính quyền bang Victoria đã xét duyệt miễn trừ cho Djokovic trước đó, các cơ quan liên bang - như lực lượng biên phòng - có thể có ý kiến khác về vấn đề này.

Các nguồn tin từ chính quyền liên bang cũng tuyên bố Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Tiêm chủng Australia không chấp thuận và tham gia vào quá trình xét duyệt của Liên đoàn Tennis Australia và bang Victoria.

Trong khi đó, bà Jaala Pulford, lãnh đạo cơ quan phụ trách việc làm bang Victoria, tuyên bố quy trình xét duyệt diễn ra rất chặt chẽ.

Bà khẳng định Djokovic không được đối xử đặc biệt. Tuy vậy, bà thừa nhận nhiều người dân trong bang không hài lòng với quyết định này.

“Tôi thừa nhận kết quả này khiến nhiều người dân bang Victoria bực dọc và tức giận”, bà Pulford nói. “Tuy nhiên, tôi muốn làm rõ rằng không ai được đối xử đặc biệt vì danh tiếng hay thành tích họ đạt được”.

24 giờ từ lúc Djokovic được miễn trừ đến khi bị từ chối vào Australia

Dù nhận được miễn trừ y tế để có thể tham dự Australian Open mà không cần công khai tình trạng tiêm vaccine Covid-19, Djokovic không thể nhập cảnh và đối mặt nguy cơ bị trục xuất.

Nadal lên tiếng sau khi Djokovic bị Australia hủy visa

Rafael Nadal ủng hộ quy định phải tiêm vaccine Covid-19 để được nhập cảnh vào Australia và cho rằng Novak Djokovic đã phải đối mặt với hậu quả.

Việt Hà

Theo Guardian, Reuters, The Age

Bạn có thể quan tâm