Sân Vinh là nơi đào tạo ra không biết bao nhiêu nhân tài bóng đá. Nhưng những người gắn bó cả sự nghiệp ở sân Vinh như Huy Hoàng là rất ít. Phần đông, khi đã đủ lông đủ cánh, đều chọn những bến đỗ khác để bay đi.
Những ai am tường bóng đá Sông Lam đều hiểu, ở đất này, chữ tài thường đi liền với chữ tai, và thành công của người nọ đôi lúc lại là sự đố kỵ, thù oán của kẻ kia. Ngay cả “Khổng Minh xứ Nghệ” Nguyễn Hồng Thanh hay HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh cũng đều có lúc phải tha hương.
Nguyễn Hữu Thắng thành danh cùng đội bóng quê nhà SLNA trên cương vị cầu thủ và huấn luyện viên. |
Sau này, khi đã “quy ẩn”, ông Vinh “Nghệ” cũng nhiều lần “chêm” vào những câu chuyện của mình khái niệm từ thời cha ông truyền lại: muốn vinh thân thì phải rời Vinh.
Và ông bảo rằng, thành Vinh là nơi cực tốt để rèn luyện và khởi nghiệp, nhưng phát triển sự nghiệp thì vẫn nên tìm đến những vùng miền khác cho… đổi gió.
Cái sự “đổi gió” đầy ẩn ý kia, ông Vinh đúc kết lại từ những mâu thuẫn mà ông mắt thấy tai nghe. Mâu thuẫn giữa bộ sậu lãnh đạo với nhau, và nhiều phen, mâu thuẫn xảy ra với chính ông, khi người ta buộc ông phải thể hiện… chính kiến của mình bằng cách đứng về một phe nào đấy.
Hữu Thắng cũng đã từng suýt “thân bại danh liệt” khi dính vào vụ tiêu cực mua chức vô địch mùa giải 2001. Thời điểm đó là năm 2006, Hữu Thắng giữ chức HLV trưởng SLNA và đường binh nghiệp đang phơi phới.
Sau cú sốc mà chỉ có bản lĩnh và sự hậu thuẫn cực tốt từ gia đình, bè bạn mới giúp Hữu Thắng vượt qua, anh nối lại nghiệp cầm quân của mình ở Hà Nội, với vụ “cứu tàu” Hà Nội T&T 2009. Đấy chính là bước đệm để anh trở lại SLNA và lên đỉnh V.League 2 năm sau.
Nhưng hình ảnh Hữu Thắng bế con trai ở trên tay, chạy vòng quanh các khán đài sân Vinh để tri ân khán giả với giọt nước mắt lăn dài, chỉ lưu lại trong ký ức người hâm mộ. Lãnh đạo đội thì quên nó một cách chóng vánh, sau vẻn vẹn một mùa giải không bảo toàn được ngôi đầu.
Những tưởng một tượng đài như Hữu Thắng ở sân Vinh thì nói có người nghe, đe có kẻ sợ. Điều ấy đúng, nhưng không phải là tất cả. Hữu Thắng không được toàn quyền.
Anh vẫn bị chi phối bởi nhiều quyết định khó hiểu từ “thượng cấp”, trong đó có chuyện bán đi những nội binh mà anh quyết giữ, nhưng lại mua về những ngoại binh mà anh chỉ muốn gạt đi.
Giọt nước tràn ly trước thềm mùa giải 2015, Hữu Thắng từ nhiệm với lý do đi học, nâng cao trình độ và trao ấn kiếm lại cho phó tướng Ngô Quang Trường. Hữu Thắng thực tế là sống ở Vinh nhưng hồn phách thì đã “rời Vinh” ngay từ lúc ấy.
Việc Hữu Thắng nghỉ khiến các học trò cũ của anh như Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình… cảm thấy quyết định ra đi trước đó của họ là sáng suốt. Và cơn chảy máu vẫn chưa cầm. Trước khi V.League 2016 khởi tranh, SLNA mất tiếp đội trưởng Quang Tình, hậu vệ kỳ cựu Đình Đồng.
SLNA đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn, không phải vì thiếu thốn tiền bạc mà vì măng chưa kịp mọc để bù vào chỗ khuyết từ những vị trí tre già bỏ lại. Và Hữu Thắng, một cách thức thời, khi biết không thể cứu cả đội bóng thì đã lựa chọn cách cứu sự nghiệp của mình.
Nếu chỉ để kiếm một chỗ làm thì Hữu Thắng hoàn toàn không phải chờ đến lúc này. Anh đã từ chối nhiều lời đề nghị từ các CLB, trong đó mặn mà nhất là của người láng giềng Thanh Hoá. Trên danh nghĩa, Hữu Thắng vẫn là Giám đốc kỹ thuật SLNA, nhưng cái đích thật sự của anh là chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam.
Hữu Thắng muốn thử thách mình ở một trọng trách lớn lao hơn và cũng dự báo nhiều rủi ro hơn. Chiếc ghế ấy giờ đã ở trong tầm tay anh, và chỉ có anh mới biết, mình sẽ vinh đến mức nào khi đã quyết chí rời Vinh.