Thực chất thì bản hợp đồng giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Hữu Thắng chưa được ký. Nhưng nguyên nhân hoãn ký thì vô cùng khó hiểu: Tiền và chỉ tiêu. VFF sốt ruột vì nhiệm vụ đến nơi rồi mà thuyền trưởng chưa thể bắt tay vào việc. Tổng cục TDTT lại có ý kiến khác liên quan đến hợp đồng. “Cấp trên” bảo, đã ký hợp đồng thì phải liên quan đến chỉ tiêu, Hữu Thắng muốn ngồi ghế nóng thì phải chọn vô địch SEA Games hoặc soán ngôi “Hoa hậu AFF Cup”.
Đích thân Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Trọng Hổ cho rằng, đương kim GĐKT của SLNA có thể nhận lương cao như huấn luyện viên ngoại, nhưng áp lực là phải có vàng như kỳ vọng của Tổng cục, VFF và cả người hâm mộ.
HLV Hữu Thắng muốn xây dựng lối đá ban bật ngắn, kỹ thuật, chủ động cầm bóng cho các ĐT Việt Nam. |
Bản thân Hữu Thắng chưa lên tiếng và nếu có lên tiếng, rõ ràng ông cũng chẳng biết phải phản biện thế nào cho chuẩn. Người ta bảo, chưa cầm quân mà Hữu Thắng đã bị đánh phủ đầu, nếu nhỡ mà thua trận thì chẳng biết hậu quả đến đâu?
Diễn biến tiếp theo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đồng quan điểm với Vụ trưởng Hổ khi cho rằng: “nếu đặt chỉ tiêu vào bán kết thì cần xem lại vì như thế đã là… thất bại rồi”.
Đến đây, người ta không khỏi nghi ngờ cái gọi là “tôn trọng HLV nội” và tôn trọng chuyên môn được. Mức lương của HLV Hữu Thắng chưa có văn bản chính xác, nhưng lời đồn thổi thì từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng mỗi tháng. So với người tiền nhiệm Miura, mức lương của Hữu Thắng kém xa khi chuyên gia Nhật Bản được cho là nhận 300 triệu đồng/tháng kèm các điều kiện tốt về ăn ở, di chuyển.
Tuy nhiên, khi vào việc, ông Miura chỉ nhận chỉ tiêu vào bán kết cả AFF Cup lẫn SEA Games. Lúc ấy, chẳng thấy ai ở Tổng cục hay VFF nói là thụt lùi, là thất bại. Chỉ đến khi Hữu Thắng được thương thuyết để ngồi vào ghế nóng thì chỉ tiêu bán kết mới được gọi là thất bại?
Xét tư duy như ông Phấn nói “lương cao thì chỉ tiêu cao”, HLV Miura nếu đúng lĩnh lương 300 triệu đồng/tháng mà chỉ cần vào bán kết, thì chuyện Hữu Thắng (nếu) nhận kịch trần 200 triệu đồng/tháng mà phải vô địch thì đấy rõ ràng là điều phi lý. Phải chăng, người ta vẫn chỉ tôn trọng HLV nội trong những phát biểu mang tính xoa dịu dư luận?
Về mặt chuyên môn, sức ép từ Tổng cục và VFF đặt lên Hữu Thắng là chưa thực sự hiểu tình hình. Vàng SEA Games, vàng AFF Cup ai chẳng muốn. Vấn đề là ĐT Việt Nam hiện nay có gì để lên đỉnh?
Chúng ta luôn nghĩ cách phải vượt Thái Lan, phải thắng Thái Lan mà quên đi thực tế rằng, những đội bóng khác như Singapore, Indonesia, Malaysia cũng đang tích cực nâng cao chất lượng và họ luôn luôn là đối thủ chúng ta có thể thua bất cứ lúc nào.
Giả sử có thắng Thái, liệu ĐT Việt Nam đã chắc vượt được 3 cái tên nói trên? Đấy là chưa kể, Philippines, Myanmar cũng tiềm tàng năng lực. Gương mặt đầu tiên từng hạ bệ ĐT Việt Nam ở AFF Cup kỳ trước, Myanmar thắng U23 Việt Nam ở SEA Games 2015. Lào, Campuchia ngày càng khó thắng. Có chăng, chắc nhất là được gặp Brunei.
Những người làm chuyên môn, có chuyên môn đều hiểu mặt bằng trình độ chung của bóng đá Việt Nam ở đâu, các cầu thủ đạt ngưỡng nào? Vì thế, bất cứ ai làm nghề, hiểu nghề cũng đồng cảm với hoàn cảnh hiện tại của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Thời điểm này, thời điểm giao thời giữa triết lý và con người, ĐT Việt Nam dám nhận chỉ tiêu vào đến bán kết AFF Cup cũng là liều lĩnh lắm rồi!
Cho nên, nếu Tổng cục và VFF vẫn nhất quyết đình lại bản hợp đồng với cựu trung vệ SLNA vì lương bổng và chỉ tiêu “phải có vàng”, thì câu chuyện về một HLV nội được tôn trọng, được thấu hiểu sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực. ĐT Việt Nam và xa hơn là nền bóng đá Việt Nam luôn phải đối đầu với cảnh ăn đong.
Suy cho cùng, câu hỏi thực tế nhất lúc này là Tổng cục và VFF có tin thầy nội hay không? Họ cần một HLV cho chặng đường dài, cho sự phát triển chung của đội tuyển, hay cần người chịu trận khi mắc sai lầm?