Sáng 15/5, tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai năm 2020.
Báo cáo đánh giá thêm nhiều tác động của dịch Covid-19 đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra những kịch bản phục hồi.
Hai kịch bản tăng trưởng
Theo báo cáo, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho những nền kinh tế, tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản dự kiến về tăng trưởng của Việt Nam năm 2020. Hai kịch bản này được xây dựng với 2 giả định. Một là Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch Covid-19 từ nửa cuối tháng 4, không thay đổi dự toán chi đầu tư phát triển, giải ngân tối đa vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020.
Hai là, tình hình diễn biến, khả năng khống chế dịch bệnh, nới lỏng và thực hiện các hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Theo kịch bản 1, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III. Theo đó phương án này, GDP tăng dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4% mục tiêu đề ra).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.
Theo kịch bản 2, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4. Còn các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế được trong quý IV.
Theo đó phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2% mục tiêu đề ra). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.
Tăng nợ công, hụt thu ngân sách
Theo báo cáo, Chính phủ cho rằng yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan.
Dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%). Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng dự kiến nợ công năm nay có thể tăng, trong khu hụt thu ngân sách. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Kết quả này sẽ bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.
Ngoài ra, điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao.
Chính phủ cũng dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu cũ).
Triển khai nhanh những dự án trọng điểm
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng còn nhiều vấn đề nổi lên cần quan tâm, trong đó có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Về đầu tư công, Ủy ban Kinh tế cho rằng với tiến độ như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn .
Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn chậm. Đến hết tháng 4, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giải ngân được 1.389 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng, đạt 15,5%. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giải ngân 1.176,5 tỷ đồng đạt 10,24% dự toán được giao.
Giải ngân vốn đầu tư công sẽ kích thích tăng trưởng trong năm nay. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Thanh phản ánh ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và với dự án có vốn tồn đọng, chậm giải ngân sẽ điều chuyển sang các dự án có khả năng giải ngân cao.
Về một số vấn đề khác, Ủy ban Kinh tế cho rằng vừa qua việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng thiết yếu (như thịt lợn hơi) tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng.
Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch.
Cơ quan này cũng đề nghị cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân. Cần triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn như cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM.