Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hương vị mắm ba khía ở trời Tây

Món mắm ba khía thơm mùi đặc trưng khác với tất cả loại mắm tôi từng ăn. Càng ba khía mập mạp đỏ au, cắn vỡ ra để lộ những miếng thịt mằn mặn hơi giống thịt cua muối.

Mỗi lần muốn ăn món Việt Nam, tôi phải tới Hackney, một khu đất “dao búa” ở phía bắc London có nhiều người Việt sinh sống, xe cộ bóp còi inh ỏi không khác gì ở Việt Nam.

Bởi vậy có thèm món Việt tôi cũng ráng chịu khó ăn món Tây ngày này qua ngày khác, vài tháng mới một lần vào mấy quán Việt trên đường Mare mua vội vàng nhiều món rồi về.

Tình cờ đợt đi lần này, tôi phát hiện một món đựng trong hộp nhựa vuông nhỏ xíu trong ngày đông lạnh nhìn không có vẻ gì khởi sắc. Nhưng lướt mắt qua tôi vui mừng phát hiện ra hàng chữ “Mắm ba khía” bên trên.

Tôi mua ngay, không phải vì rẻ quá (mà rẻ thật, một hộp khoảng 200 gram chỉ có 1,5 bảng Anh khoảng 38.000 đồng), mà vì nghe đồn mắm ba khía ngon lắm nhưng chưa thử lần nào.

Về tới nhà, có thèm đến mấy cũng phải ráng chờ đến cuối tuần hai bạn chung nhà đi chơi tôi mới khui hộp mắm.

Sống chung với dân bản xứ tôi giữ ý không nấu những món mà mình thấy thơm nức mũi nhưng người ta không chịu được mùi, giống như mình không chịu được mùi phô mai lên mốc xanh mốc đen của Tây hoặc đậu phụ Đài Loan.

Tôi múc vài muỗng mắm ba khía vào chén rồi cho vào lò vi ba để rã đông. Ba bốn phút sau mùi mắm đã bốc lên thơm lừng lẫy.

Thời gian đó đủ để tôi xắt trái khế mua cùng đợt đi Hackney ra thành lát mỏng như những ngôi sao mọng nước, xắt hành tím khô và gừng ra thành sợi nhỏ, ngắt bó ngò ra thành đoạn vừa ăn, tiện thể cho vào mấy lát măng non ngâm giấm của Thái Lan hiệu Thai Boy (không phải Thai Lady Boy), cùng thật nhiều ớt khô.

Mắm ba khía đã trộn sẵn tỏi ớt chanh đường trước khi đông, bây giờ được hâm chín bốc lên mùi ngào ngạt, tôi cho cả dĩa rau gỏi vừa chuẩn bị xong, trộn đều, cho nước miếng ứa ra tận chân răng.

Món mắm ngon không phụ lòng chờ đợi, thơm mùi đặc trưng khác với tất cả loại mắm tôi từng ăn, càng ba khía mập mạp đỏ au, cắn vỡ ra để lộ những miếng thịt mằn mặn hơi giống thịt cua muối, ăn kèm khế chua chua, gừng cay nồng và những gia vị rau thơm khác làm vị giác được kích thích dễ sợ.

Đang ăn, chợt tôi liếc thấy miếng giấy lấy ra từ bao bì hộp mắm, có ghi “Mangrove crabs” (Cua cây đước). Bất giác tôi nhớ tới câu ca dao hay dân ca:

"Tháng bảy nước chảy Cà Mau

Tháng mười ba khía hội, kéo nhau đi làm

U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm

Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi".

Rồi cũng tự nhiên, tôi nhớ một bài viết về mắm ba khía. Ba khía chỉ hội vài ngày tháng 10 Âm lịch, thời điểm đó người đi “làm” ba khía phải chịu thức đêm thức hôm, ngủ bờ ngủ bụi, chịu muỗi chích, vắt cắn để bắt được ba khía, có khi tay sưng lên vì bị càng kẹp. Người viết cũng nói thêm: “Đi ‘làm ba khía’ là nghề hạ bạc của con nhà nghèo”.

Sao lại có thể mua món mắm ba khía ở Anh với giá rẻ đến vậy? Hầu hết món đông lạnh xuất qua châu Âu toàn loại ngon nhất ở Việt Nam, tôi đoán người mình không ăn để dành xuất khẩu.

Người bắt ba khía sau mấy đêm ngủ rừng đước, rừng mắm, rừng tràm không biết có bán trực tiếp được cho công ty xuất khẩu, hay còn phải qua trung gian. Rồi công đoạn muối, giã tỏi giã ớt giã tiêu, chờ đủ ngày tháng mắm chín cho vào hộp đông lạnh cho tàu chở qua châu Âu nữa.

Ngô Thị Giáng Uyên / NXB Trẻ

SÁCH HAY