Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại buổi báo cáo kết quả 20 năm thực hiện chỉ thị số 42-CT/TW với Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Đức Huy. |
Ngày 26/8, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam về khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Theo đánh giá của ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều sáng tác đã được xuất bản mang giá trị tư tưởng lớn, có sức lan tỏa văn hóa đến độc giả.
“Hội nhà văn đã có nhiều xuất bản phẩm có giá trị về văn hóa Việt Nam, xuất bản nhiều công trình dịch thuật, lý luận phê bình, các tác phẩm có đóng góp cho nền văn học nước nhà. Đồng thời, Hội Nhà văn cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của đội ngũ cây bút trẻ”, ông Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi làm việc.
Dù vậy đại diện đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương vẫn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như chất lượng một số xuất bản phẩm chưa đạt yêu cầu cần phải cải thiện, ứng dụng công nghệ trong hoạt động biên tập, khai thác bản thảo. Ngoài ra, công tác quản lý, chính sách, cơ chế đối với hoạt động xuất bản còn một số bất cập.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, ghi nhận Hội Nhà văn Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hoạt động xuất bản và phát hành sách. Số lượng sách được xuất bản và phát hành bởi Hội Nhà văn và các nhà xuất bản liên quan đã đạt được những con số ấn tượng, với hàng triệu bản sách được đưa ra thị trường mỗi năm. Những tác phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần quảng bá văn học Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cũng chỉ ra nhiều thách thức mà Hội Nhà văn Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất bản.
“Nhà xuất bản Hội Nhà văn cần hướng tới những nguồn lực xã hội khác không thông qua liên kết. Đây điều quan trọng và phù hợp với bối cảnh hiện nay”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhận định.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi làm việc. |
Về phía Hội Nhà văn, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết trong 20 năm thực hiện chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, mặc dù có những khó khăn về kinh phí cũng như nhân lực, đơn vị đã nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra phương châm phát triển văn hóa đọc tốt cần xuất phát từ những cuốn sách chất lượng. Không chỉ là các đầu sách trong nước, Hội Nhà văn còn thúc đẩy các hoạt động mua bán bản quyền, dịch thuật sách ngoại văn.
Đại diện Hội nhà văn Việt Nam cũng cho biết đơn vị đã có nhiều hoạt động đối ngoại liên quan tới công tác xuất bản sau đại dịch Covid-19. Tiêu biểu có thể kể đến Liên hoan sách Thiếu nhi châu Á tại Singapore (2023), tổ chức sự kiện tiếp đoàn nhà văn Hàn Quốc, giới thiệu các tác phẩm văn học dịch từ Trung Quốc, Đài Loan, Hungary…
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Đỗ Quang Dũng phát biểu khi đi khảo sát, ông nhận thấy sách văn học được đón nhận nồng nhiệt bởi các độc giả trẻ tại vùng biển đảo. Điều này cho thấy dòng sách này có một sức hút lớn dù ở bất cứ điều kiện sống nào. Đây là lợi thế của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc lan tỏa sức mạnh của văn học. Từ đó, đơn vị có thể tham gia quá trình xây dựng văn hóa đọc của người Việt.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.