Theo Reuters, những vấn đề quan trọng mà Hungary và các quốc gia thành viên khác của EU đã đạt được sự đồng thuận vào ngày 12/12 bao gồm việc thông qua gói viện trợ kinh tế cho Ukraine trong năm 2023, cũng như đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu.
Một số nhà ngoại giao cho biết thỏa thuận trên là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài nhiều tháng giữa các cơ quan thành viên của EU, Hungary, và các quốc gia khác. Theo thỏa thuận này, Ukraine sẽ nhận gói hỗ trợ kinh tế trị giá gần 19 tỷ USD, được trích từ ngân sách của EU trong năm 2023.
Trước đó, Budapest liên tục phủ quyết việc trích trực tiếp ngân sách của EU, một phương thức đơn giản và ổn định hơn, để hỗ trợ cho Ukraine. Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào đầu năm nay, quốc gia Đông Âu này chủ yếu nhận được sự hỗ trợ tài chính từ EU dưới dạng các khoản vay song phương.
Bên cạnh đó, Hungary cũng đồng ý không phủ quyết việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được các thành viên thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thống nhất trước đó.
Với chính sách thuế trên, các tập đoàn đa quốc gia sẽ bị áp mức thuế 15% tại các khu vực nơi những doanh nghiệp này thu được lợi nhuận, thay vì chỉ thu thuế ở những nơi đặt trụ sở của công ty.
Để nhận được sự đồng thuận của Hungary, các thành viên còn lại của EU đã đồng ý với kế hoạch chi tiêu khoản ngân sách hơn 6,1 tỷ USD, thuộc quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch của khối, do quốc gia Trung Âu này đề xuất.
Nếu kế hoạch chi tiêu trên không được thông qua vào cuối năm nay, Budapest sẽ mất đi 70% khoản tiền được phân bổ cho nước này trong quỹ phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 của EU.
Các quốc gia trong khối cũng đồng ý giảm khoản ngân sách bị đóng băng của Hungary từ mức 7,9 tỷ USD xuống còn 6,6 tỷ USD. Trước đó, khoản ngân sách trên, được EU phân bổ cho Hungary, đã bị Ủy ban châu Âu (EC) phong tỏa do lo ngại về nền chính trị và tính độc lập của hệ thống tư pháp tại quốc gia Trung Âu này.
Khoản tiền trị giá 6,6 tỷ USD bị đóng băng tương đương với 55% khoản ngân sách mà Budapest nhận được từ quỹ giảm thiểu chênh lệch tiêu chuẩn sống giữa các quốc gia thành viên của EU trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2027.
Bản sắc cộng đồng của Liên minh Châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của Liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.