Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hungary nói lệnh cấm dầu Nga vượt qua ‘lằn ranh đỏ’

Hungary cho biết nước này không ủng hộ đề xuất cấm dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) vì cho rằng phương án này sẽ hủy hoại nền kinh tế quốc gia.

Hungary không thể ủng hộ gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu đối với Nga theo hình thức hiện tại, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, AFP dẫn lời Thủ tướng Viktor Orban ngày 6/5.

Thủ tướng Hungary chỉ trích người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vì làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết của EU khi đề xuất lệnh cấm dầu Nga. "Dù có chủ đích hay vô ý, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã ‘tấn công’ sự thống nhất của châu Âu", ông Orban nói trên đài phát thanh nhà nước.

"Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã nói rõ rằng sẽ có một lằn ranh đỏ. Đó là lệnh cấm vận năng lượng. Họ đã vượt qua lằn ranh đỏ này", ông nói.

Ông Orban cho biết đề xuất hiện tại của Ủy ban châu Âu sẽ giống như một "quả bom nguyên tử" ném xuống nền kinh tế Hungary.

Nhà lãnh đạo này cũng nói thêm rằng Hungary sẵn sàng đàm phán nếu thấy một đề xuất mới đáp ứng được các lợi ích của quốc gia.

Hungary khong ung ho lenh trung phat cua EU anh 1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng nói rằng lệnh cấm dầu này sẽ hủy hoại an ninh năng lượng của Hungary và nước này chỉ đồng ý với các biện pháp trừng phạt của EU nếu dầu nhập từ Nga qua hệ thống đường ống được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt.

Hiện khoảng 70-85% lượng dầu thô EU nhập từ Nga thông qua tuyến đường biển. Phần còn lại sẽ chảy qua đường ống dẫn dầu Druzhba đến các nước Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech, theo Transport & Environment.

Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga, bao gồm việc loại bỏ dầu nhập khẩu từ Moscow.

EU dự kiến ngừng hoàn toàn việc nhập dầu thô trong 6 tháng, và các sản phẩm hóa dầu vào cuối năm 2022.

Các đề xuất trên vẫn còn phải chờ tất cả 27 nước thành viên thông qua. Bà Ursula von der Leyen cho biết các cuộc thảo luận "sẽ không dễ dàng", trong bối cảnh một số nước EU phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập từ Nga.

Bốn nước EU muốn miễn trừ việc cấm nhập khẩu dầu Nga

Hungary, Slovakia, Bulgaria và Cộng hòa Czech cho biết sẽ nhất trí với lệnh trừng phạt của EU cấm vận dầu mỏ nhập từ Nga, nếu khối đưa ra các biện pháp miễn trừ cụ thể.

Chuyện gì xảy ra khi EU chấm dứt nhập khẩu dầu Nga?

Nếu Liên minh châu Âu (EU) thống nhất cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga, động thái này có thể gây ra những tác động mạnh với chính khối và cả thị trường toàn cầu.

Minh An

Bạn có thể quan tâm