“Hiện tượng có tên là ‘nền giáo dục hồng’ có rất nhiều hệ lụy về xã hội và kinh tế”, Guardian ngày 26/8 dẫn lời báo cáo của Kiểm toán Nhà nước Hungary (ASZ).
Báo cáo này được ASZ công bố từ tháng 7 nhưng phải tới hôm 25/8 mới thu hút sự chú ý của dư luận sau khi nó được truyền thông đưa tin.
“Nếu nền giáo dục thiên vị các đặc điểm nữ tính” như “sự trưởng thành về mặt cảm xúc và xã hội” và “khiến phụ nữ được đại diện quá mức trong giáo dục đại học, sự bình đẳng giới tính sẽ bị suy yếu đáng kể”, báo cáo kết luận.
Hồi tháng 3, Hungary đã có tổng thống nữ giới đầu tiên, bà Katalin Novak. Tuy nhiên, nước này vẫn xếp thứ hạng áp chót tại Liên minh châu Âu trên phương diện mức độ đại diện của phụ nữ trong chính phủ. Ảnh: Tamas Purger. |
Báo cáo này còn nhấn mạnh các bé trai thường có xu hướng mạo hiểm và có tinh thần khởi nghiệp hơn. Vì thế, nếu không được cho phép phát triển tự do, các em trai sẽ có rủi ro “gặp vấn đề về hành vi và tâm lý”, báo cáo kết luận.
Cũng theo báo cáo, “nền giáo dục hồng” có thể gây ra vấn đề dân số vì phụ nữ có học thức sẽ không thể tìm được bạn đời có học vấn tương tự, từ đó “có thể dẫn tới làm suy giảm khả năng sinh sản”.
Cũng như nhiều nước khác, nghề giáo viên ở Hungary đại đa số là nữ giới, với 82% giáo viên là phụ nữ.
Đáp trả báo cáo, nghị sĩ thuộc đảng đối lập Endre Toth viết trên Facebook rằng cách nói về các đặc điểm nam tính và nữ tính “rất nực cười về mặt khoa học”. “Đã đến lúc các ông phải bỏ cặp kính của thế kỷ trước ra rồi đấy”, ông Toth viết.
Từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thúc đẩy “cuộc cách mạng bảo thủ”. ASZ được cho là cơ quan thân thiết với ông Orban.
Tuy Hungary gần đây đã bổ nhiệm bà Katalin Novak làm tổng thống nữ giới đầu tiên, nước này chỉ có một bộ trưởng là phụ nữ. Điều đó khiến Hungary xếp áp chót trong Liên minh châu Âu trên phương diện đại diện của phụ nữ trong chính phủ.