Hùng Cửu Long: ‘Tôi không còn tham tiền’
Đối mặt với thất bại lớn nhất trong đời, ông chủ của Cửu Long Jewelry tự cho đây là cơ hội để làm lại, và vẽ thêm màu sắc cho cuộc sống "như một tác phẩm nghệ thuật đắt giá" của mình.
Được biết đến với kiểu ăn mặc khác thường, là doanh nhân nhưng thường xuyên góp mặt trong các sự kiện showbiz nhưng ông chủ của thương hiệu Cửu Long Jewelry - Lê Đình Hùng (Hùng Cửu Long) lại có cách nói chuyện rất nhẹ nhàng và nhã nhặn. Tự nhận mình là người ít học, từng kiếm tiền bất chấp thủ đoạn, anh chia sẻ mình bây giờ đã khác nhiều.
Trên trang cá nhân của mình, "người đàn ông mặc áo dài" không ngại ngần chia sẻ những điều cởi mở nhất, từ ý thích cá nhân, đến câu chuyện xuất thân và dòng tộc Lê Đình. Tâm sự thật, tám đủ mọi chuyện trên mạng xã hội, anh chia sẻ: “Người ta vẫn thường nói làm kinh doanh là đi lừa gạt, trong khi cuộc sống bình thường cũng không tránh khỏi điều tiếng hai mặt. Tôi đã quá mệt mỏi với những áp lực bên ngoài, nên không muốn sống giả tạo với bản thân mình. Cũng mong là cách sống chân thành, được nhiều người nhìn nhận trong thế giới ảo ấy cũng sẽ lan tỏa tới cuộc sống thật”.
Với doanh nhân Hùng Cửu Long, lao động là giá trị cốt lõi của con người, và thành công không đo đếm qua bằng cấp. |
Chia sẻ về những ngày đầu lập nghiệp, ông chủ của chuỗi cửa hàng Cửu Long Jewelry cho biết khi đó bản thân không còn sự lựa chọn nào khác vì gia đình quá nghèo. “Tôi sinh ra tại một vùng quê nghèo, trong một đất nước khi đó còn khó khăn, nhà nhà còn thiếu ăn. Vốn là người ít học, xuất phát điểm chỉ là một anh phu đào đá sapphire ở Di Linh (Thanh Hóa), đi học nghề rồi làm thợ bạc gia công hàng chợ ở Vĩnh Long, sau này một thân một mình không người thân thích, không bằng cấp, xin việc không ai nhận ở đất Sài Gòn".
Một mình từ quê ra thành thị, cơ hội đến không nhiều. Lúc đó anh chỉ tâm niệm tìm được một công việc, và cơ duyên đưa anh đến với nghề mà mình yêu thích, đam mê, có hoa tay. “Thời gian đầu, mỗi đêm tôi chỉ ngủ 2 tiếng. Nghĩ đến việc mình không có tiền, gia đình nghèo, bản thân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chăm chỉ học nghề, làm việc nếu muốn thay đổi cuộc đời, vì tôi vẫn mơ một ngày sẽ được đổi đời. Ngày đó, tiết kiệm chi tiêu cũng là cách duy nhất để tôi tích lũy được những đồng vốn đầu tiên”.
Gom hết số tiền làm ngày làm đêm có được, năm 2000, Hùng bắt đầu thuê mặt bằng và mở chiếc tủ kinh doanh nữ trang bên hông toà nhà ITC. Đến năm 2002, anh đã có tham vọng mở chuỗi cửa hàng trang sức cao cấp lớn nhất Việt Nam. 8 năm sau đó, 30 cửa hàng trang sức mang thương hiệu Cửu Long Jewelry ra đời. Tưởng như chạm tới thành công, anh lại phải đối mặt với thất bại lớn.
“Nôn nóng, tham lam, chủ quan, tôi đã vội vã với kế hoạch trong khi chưa có đủ các nhân tố cần thiến về tiền bạc, nhân sự, mặt bằng, và cũng không lường hết được sự thay đổi của chính sách. Khi 30 cửa hàng được mở, chuyện kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Vay nợ nhiều nhưng chưa trả được, nên đành phải đóng cửa. Từ con số 30, bây giờ tôi chỉ còn 2 cái ở Vũng Tàu và TP.HCM. Riêng về khoản nợ, phải đến cuối quý I/2013 tôi mới trả hết”, tác giả của cuốn sách "Mr Thất Bại" tâm sự.
Không ngần ngại, người đàn ông 40 tuổi này chia sẻ, Tết đến là khoảng thời gian bận rộn nhất, cực khổ nhất. Bên cạnh sự bận rộn trong vai trò là ông chủ doanh nghiệp, lo lương, lo thưởng cho nhân viên, lo trả nợ cho đối tác, Hùng Cửu Long còn thường xuyên có những chuyến từ thiện, tặng quà cho người nghèo tại TP.HCM. Với anh, đó là “lo tròn trách nhiệm của mình với cộng đồng, bên cạnh trách nhiệm với gia đình”.
"Tôi không phân biệt bạn showbiz, bạn doanh nhân, bạn trong cuộc sống thường nhật. Chỉ có điều, showbiz là mặt nổi dễ thấy, là một môi trường cộng đồng cao và cũng là công việc, nên hình ảnh của tôi ở đây được nhiều người biết tới hơn. Tôi có lẽ là doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam được nhiều quan tâm như vậy khi đứng trong giới showbiz, như một ngôi sao dù bản thân chỉ là một người kinh doanh bình thường”. |
Là người hoài cổ với áo dài, doanh nhân Hùng Cửu Long so sánh mình với những người châu Âu thời kỳ Phục Hưng. “Tôi mặc áo dài cũng là do công việc, vì nó giúp tôi tạo nên phong cách riêng, dấu ấn riêng mà những người làm kinh doanh luôn muốn có. Nhưng phần khác, tôi yêu, trân trọng và chuộng cái chất của áo dài, vì nét hoài cổ của trang phục truyền thống dân tộc, và muốn mang nét đẹp văn hóa Việt đến gần với công chúng hơn”.
Có người nói Hùng Cửu Long “đã chán kiếm tiền”, anh lại nghĩ mình chán kiếm tiền theo cách cũ. Tự nhận mình đã từng kiếm tiền một cách vội vàng, tham lam, bất chấp thủ đoạn, không quan tâm tới giá trị nào khác ngoài đồng tiền, nhưng “chuyện bây giờ đã khác, mình kiếm tiền theo kế hoạch, có tính toán chứ không theo cách 'vô lối' như trước đây. Nói chính xác thì Hùng Cửu Long đã không còn tham tiền”.
Trần anh
Theo Infonet