Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huế giành chính quyền trong Cách mạng Tháng tám

Khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Huế ngày 23/8/1945 là bước chuyển mới của Cách mạng tháng Tám, thúc đẩy các địa phương khác tiếp tục giành chính quyền.

Sau Hà Nội, cuộc khởi nghĩa nổ ra và thành công ở Huế, dinh lũy của nhà nước phong kiến bù nhìn.

Ngay từ ngày 15/8, được tin phát xít Nhật đầu hàng, Tỉnh ủy Thừa Thiên lập tức triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh quyết định phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền, thông qua kế hoạch lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi ở các huyện trong tỉnh để hỗ trợ cho thành phố Huế vùng dậy giành thắng lợi. Triển khai chủ trương của Hội nghị, từ ngày 17/8, nhân dân các huyện trong tỉnh Thừa Thiên đã lần lượt khởi nghĩa, lập chính quyền cách mạng.

Ngày 17/8, đồng chí Tố Hữu - phái viên của Trung ương - cùng các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Hồ Tùng Mậu đến Huế để giúp Tỉnh ủy Thừa Thiên lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế.

Ngày 20/8, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch. Công tác vận động Bảo Đại thoái vị, vận động nội các Trần Trọng Kim từ chức, vận động Bảo an binh theo cách mạng được xúc tiến khẩn trương.

Bên cạnh sự vận động của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, một số trí thức nổi tiếng là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Tường cũng đánh điện đề nghị Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập Chính phủ để tránh nội chiến. Tin khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở các huyện trong tỉnh, ở các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ, nhất là tin Hà Nội giành chính quyền thành công dồn dập truyền đến Huế làm cho không khí cách mạng ngày càng sôi sục.

Trong lúc công tác chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra rất khẩn trương thì Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên nhận được tin nội các Trần Trọng Kim sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 23/8 để hoan nghênh việc "thu hồi" Nam Kỳ vào "Tổ quốc Việt Nam". Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên quyết định chớp thời cơ để giành chính quyền vào ngày 23/8.

Để cuộc khởi nghĩa đảm bảo thắng lợi, từ chiều ngày 21/8, Đảng bộ và Việt Minh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình thị uy trong thành phố. Đội tự vệ Phú Bình đã tiến hành bao vây đồn Mang Cá. Ngày 22/8, quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình thị uy tiến tới chiếm một số công sở. Cờ Việt Minh đã phấp phới trên kỳ đài thay cho cờ quẻ ly.

Tối 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa gửi tối hậu thư buộc Bảo Đại phải thoái vị, trao chính quyền cho nhân dân, được bảo đảm tính mạng và tài sản của Hoàng tộc. Đêm 22/8, không khí khởi nghĩa sôi động trong thành phố. Các đội tự vệ lùng bắt những tên Việt gian đầu sỏ; bao vây, theo dõi chặt chẽ các tên phản động. Nhân dân thành phố náo nức chờ giờ nổi dậy.

Hue gianh chinh quyen anh 1

Quần chúng cách mạng đổ về cửa Thượng Tứ, tham gia giành chính quyền tại Huế ngày 23/8/1945. Ảnh tư liệu.

Sáng ngày 23/8, cả thành phố Huế rực rỡ cờ đỏ sao vàng. 15 vạn nhân dân Huế cùng nhân dân các phủ huyện theo kế hoạch tiến vào thành phố đã tràn ngập các khu phố, chật ních trên các ngả đường.

Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhân dân đã tiến hành chiếm các cơ sở còn lại rồi kéo về dự cuộc mít tinh khổng lồ tại sân vận động thành phố, mừng cách mạng thành công. Tại đây, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thừa Thiên Huế ra đời do Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, Hoàng Anh làm Phó chủ tịch. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi nhanh chóng và không đổ máu.

Khởi nghĩa thành công ở Huế có ý nghĩa lớn lao. Huế là dinh lũy của chế độ phong kiến và chính quyền bù nhìn. Khởi nghĩa thắng lợi ở Huế tượng trưng cho sự chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm trên đất nước ta. Khởi nghĩa thắng lợi ở Huế đã bồi tiếp một đòn sấm sét vào chính quyền bù nhìn còn lại ở các tỉnh Nam Trung Bộ, động viên cổ vũ, tạo thêm sức mạnh tinh thần và uy thế cho nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ và cả ở Nam Bộ vùng lên.

Bằng cuộc khởi nghĩa thành công ở Huế, ta đã làm chủ một địa bàn cực kỳ quan trọng. Huế khởi nghĩa thắng lợi đã dẫn đến sự tuyên bố thoái vị vua phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Nhận được tối hậu thư của Ủy ban khởi nghĩa Thuận Hóa, nhận thấy tình hình không thể đảo ngược được nữa, ngày 23/8/1945, Bảo Đại triệu tập "Nội các lâm thời" để bàn việc trả lời yêu cầu thoái vị của Việt Minh Thuận Hóa. "Nội các lâm thời" đã thông qua bản dự thảo thoái vị của Bảo Đại và tuyên bố giải tán.

Đêm 23/8/1945, Bảo Đại nhận được điện của Ủy ban nhân dân Bắc Bộ từ Hà Nội điện vào yêu cầu Bảo Đại chính thức tuyên bố thoái vị. Ngày 24/8/1945, Bảo Đại điện trả lời Ủy ban nhân dân Bắc Bộ đồng ý chính thức tuyên bố thoái vị trước quốc dân.

Ngày 25/8/1945, Bảo Đại ban hành hai tờ chiếu chính thức ghi từ thoái vị vào văn bản. Trong tờ chiếu thứ nhất ban cho quốc dân, Bảo Đại “quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân cho một chính phủ dân chủ cộng hòa”, “lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”.

Trong tờ chiếu thứ hai ban cho bà con trong Hoàng tộc, vua Bảo Đại nhắc lại “Để hạnh phúc dân lên trên ngai vàng”, “Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ” và nhấn mạnh: “Nay Trẫm nhất định thoái vị giao vận mệnh quốc gia lại cho một chính phủ có đủ điều kiện huy động hết thẩy lực lượng của toàn quốc mà giữ vững nền độc lập của nước, hạnh phúc cho dân”.

Chiều ngày 28/8, nhân dân Huế đón phái đoàn của Chính phủ lâm thời gồm Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận do Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn vào Huế để chứng kiến Bảo Đại tuyên bố thoái vị.

16 giờ ngày 30/8/1945, hàng vạn nhân dân Huế tụ họp tại Ngọ Môn chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại: vua Bảo Đại đọc tờ chiếu thứ nhất cho quốc dân (đã ban từ ngày 25/8/1945), chính thức và công khai tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm - những bảo vật tượng trưng quyền lực triều đình Huế cho Trưởng đoàn đại diện của Chính phủ lâm thời Trần Huy Liệu. Trong không khí nghiêm trang cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ ở Huế cũng như trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, công bố chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự kiện Bảo Đại tuyên bố thoái vị có một ý nghĩa quan trọng, chính thức đánh dấu sự cáo chung của chính quyền phong kiến lỗi thời; nhân dân ta đã thực hiện được một bước quan trọng đường lối cách mạng dân chủ mà Đảng ta đề ra từ năm 1930. Việc Bảo Đại tuyên bố thoái vị, khước từ đề nghị bảo vệ của quân đội Nhật cho đến khi Đồng minh vào giải giáp, đã triệt tiêu một đầu mối mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá lại chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị lên đất nước ta. [...] Sau tất cả cố gắng giữ quyền lực bị thất bại, Bảo Đại đã thuận theo xu thế của lịch sử.

Đồng chí Trường Chinh nhận xét: "Những thắng lợi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhất là ở Hà Nội và Huế, ảnh hưởng vang dội rất mạnh, nhân dân cách mạng buộc Bảo Đại thoái vị, chính quyền bù nhìn buộc phải đầu hàng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, làm cho địch ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ càng thêm hoang mang, phân hóa sâu sắc và tan rã".

Khởi nghĩa ở Huế ngày 23/8 đã đánh dấu một bước chuyển biến mới của Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, thúc đẩy các địa phương tiếp tục nổi dậy giành chính quyền.

Trịnh Nhu, Trần Trọng Thơ / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY