Sau vụ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Bắc Kinh trả đũa bằng việc yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Giới quan sát nhận định quan hệ Mỹ - Trung đang lao dốc xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Dưới đây là một số điểm nóng đáng kể nhất trong mối quan hệ kinh tế đầy sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hong Kong
Cuối tháng 6, chính phủ Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia tại Hong Kong. Phản ứng lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy bỏ quy chế đối xử đặc biệt dành cho đặc khu kinh tế này. Dù vậy, Nhà Trắng vẫn chưa đánh thuế trừng phạt lên hàng nhập khẩu từ Hong Kong giống như các sản phẩm đến từ Trung Quốc đại lục.
Bất chấp điều đó, quyết định của Washington là cú đòn mạnh giáng vào hình ảnh Hong Kong, nơi được xem là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, là cơ sở ổn định của hàng loạt công ty đa quốc gia.
Theo Bloomberg, các tổ chức tài chính toàn cầu có thể bị Mỹ phạt nặng nếu làm ăn với các quan chức Trung Quốc có tên trong danh sách cấm vận của Washington vì liên quan đến việc luật an ninh quốc gia ở Hong Kong. Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa các quan chức và tổ chức Mỹ.
Hong Kong vốn được xem là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Khóa chặt Huawei
Chính quyền Tổng thống Trump coi hai tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies Co. và ZTE Corp là "mối đe dọa an ninh quốc gia". Nhà Trắng khẳng định các thiết bị của hai công ty này có thể trở thành "cửa hậu" để tình báo Trung Quốc xâm nhập mạng lưới viễn thông Mỹ.
Huawei và ZTE phủ nhận cáo buộc trên, trong khi Bắc Kinh chỉ trích Washington "tìm cách ngăn chặn sự phát triển của các công ty Trung Quốc". Dưới áp lực dữ dội của Mỹ, ZTE thiệt hại hàng tỷ USD, đã có lúc đối mặt với sự sụp đổ.
Chính phủ Mỹ đã loại bỏ Huawei khỏi các dự án phát triển mạng 5G và thuyết phục các nước đồng minh thực hiện bước đi tương tự. Nhà Trắng cũng ngăn chặn Huawei tiếp cận công nghệ Mỹ, khiến công ty Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết kế và sản xuất chip. Hiện, Washington đang yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, sang Mỹ.
Sau Mỹ, Anh, Pháp và Australia đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để dần loại bỏ thiết bị Huawei ra khỏi những dự án mạng 5G của hai quốc gia này. Công ty Trung Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ thụt lùi tại thị trường 5G Đông Nam Á. Các nhà mạng lớn tại Singapore đã chọn Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan) làm đối tác phát triển mạng 5G.
Huawei đang bị nhiều quốc gia loại bỏ khỏi quá trình xây dựng mạng lưới 5G. Ảnh: Getty Images. |
Cuộc chiến thương mại
Chính phủ Mỹ đã đánh thuế trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ khi chiến tranh thương mại song phương bùng nổ hồi năm 2018. Washington cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hành vi thương mại bất công như thiên vị doanh nghiệp trong nước và chiếm đoạt tài sản trí tuệ.
Theo ước tính của các chuyên gia Bloomberg, cuộc chiến thương mại có thể khiến GDP của Mỹ, Trung Quốc và toàn thế giới giảm lần lượt 0,6%, 1% và 0,6% vào năm 2021. Nghiên cứu này được đưa ra trước khi đại dịch Covid-19 giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu.
TikTok sẽ chịu chung số phận với Huawei
Các quan chức chính phủ Mỹ bày tỏ lo ngại TikTok của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh tiềm tàng nếu Bắc Kinh thu thập dữ liệu từ ứng dụng của ByteDance để nghiên cứu hành vi của người Mỹ. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc từ lâu đã cấm những nền tảng mạng xã hội của Mỹ như Facebook và Twitter.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét cấm cửa TikTok tại Mỹ. Trước đó, Ấn Độ cũng đã cấm TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác sau vụ đụng độ đẫm máu tại biên giới hai nước.
Theo một số nguồn tin, Bytedance đang xem xét thành lập trụ sở riêng cho TikTok bên ngoài Trung Quốc. Nếu Mỹ chính thức cấm TikTok, về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể trả đũa đối với các công ty Mỹ như Apple và Microsoft.
Ứng dụng TikTok Trung Quốc rơi vào tầm ngắm của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Trục xuất doanh nghiệp Trung Quốc khỏi sàn Mỹ
Đã từ lâu, chính quyền Trung Quốc không cho phép các cơ quan quản lý Mỹ kiểm toán doanh nghiệp Trung Quốc, ngay cả những công ty niêm yết ở Phố Wall. Một dự luật mới đang được Quốc hội Mỹ xem xét thể buộc các tập đoàn Trung Quốc lớn như Alibaba Group ngừng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết dự luật này cần nhiều thời gian để phát huy tác dụng. Các công ty Trung Quốc chỉ bị loại khỏi sàn chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ quy định Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Ủy ban Chứng khoán Mỹ cũng sẽ phải đưa ra những quy định cụ thể.