Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huawei Mate 30 không có giấy phép sử dụng Android

Smartphone cao cấp Mate 30 của Huawei sẽ ra mắt tại châu Âu mà không có Android và các dịch vụ cốt lõi như Google Maps, Play Store hay YouTube.

Theo Reuters, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới chuẩn bị ra mắt điện thoại Huawei Mate 30 vào ngày 18/9 tại Munich (Đức). Tuy nhiên, sản phẩm này không có bản quyền sử dụng hệ điều hành di động Android và những ứng dụng khác của Google.

Đây là smartphone cao cấp nhất của Huawei kể từ khi bị chính quyền Mỹ cấm vận.

Theo phát ngôn viên Google, Huawei Mate 30 không được cấp phép sử dụng Android và các dịch vụ khác do lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Huawei bi cam dung Android tren Mate 30 anh 1
Smartphone cao cấp của Huawei không có giấy phép sử dụng Android. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, Mỹ ra tuyên bố tạm thời để các công ty nước này tiếp tục làm ăn với Huawei nhưng phải xin phép từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, sau khi nhận được 130 đơn yêu cầu, ông Donald Trump vẫn chưa cấp bất kỳ giấy phép bán hàng nào.

Không rõ trường hợp của Google có rơi vào diện chưa được cấp phép hay bản thân hãng này không đề nghị.

Đại diện Huawei xác nhận điều này với Reuters, đồng thời khẳng định không trì hoãn kế hoạch ra mắt Mate 30.

"Huawei sẽ tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android và sinh thái của nó nếu chính phủ Mỹ cho phép", Joe Kelly - người phát ngôn Huawei - tuyên bố với Reuters. "Nếu không, chúng tôi tiếp tục phát triển hệ điều hành và sinh thái của riêng mình".

Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về thông tin nêu trên.

Nếu không được cấp phép sử dụng Android và các dịch vụ của Google, Huawei vẫn có thể dùng AOSP, một dự án mã nguồn mở miễn phí của hệ điều hành này. Tuy nhiên các dịch vụ quan trọng của Google như YouTube, Play Store, Chrome hay Google Maps sẽ không khả dụng trên Mate 30.

Huawei bi cam dung Android tren Mate 30 anh 2
Huawei Mate 30 nhận được nhiều kỳ vọng nhưng bất ngờ mất quyền sử dụng Android. Ảnh: GSM Arena.

Theo nhà phân tích độc lập Richard Windsor, nếu không có dịch vụ của Google, không ai mua thiết bị Huawei. Người dùng Trung Quốc dễ dàng chấp nhận những ứng dụng thay thế sẵn có, nhưng thị trường châu Âu và các khu vực khác trên thế giới thì không.

Đầu tháng 8, Huawei công bố hệ điều hành di động tự phát triển có tên Harmony. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích và bản thân một số lãnh đạo cấp cao của hãng cũng nghi ngờ khả năng thay thế Android.

Châu Âu là thị trường làm nên tên tuổi của Huawei trong ngành công nghiệp di động. Lệnh cấm của chính phủ Mỹ giáng đòn nặng nền vào doanh thu của tập đoàn này. Theo số liệu của Counterpoint Research, thị phần smartphone Huawei tại châu Âu đã giảm xuống còn 19,3% so với 24,9% trong quý trước khi chịu lệnh cấm.

Cuối tuần trước, Vincent Pang - Phó Chủ tịch Huawei - còn tự tin khẳng định smartphone tiếp theo sẽ sử dụng hệ điều hành Android. "Chúng tôi muốn duy trì một tiêu chuẩn, một hệ sinh thái, một công nghệ".

Ngoài hệ điều hành, dường như các thành phần khác trong Mate 30 không vi phạm lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ. Đảm nhận sức mạnh xử lý là chipset Kirin 990 do HiSilicon, một công ty con của Huawei, phát triển.

Nhân của nó dựa trên bản thiết kế từ ARM Holdings (Anh), thuộc sở hữu của SoftBank Nhật Bản. Tuần trước Huawei công bố có quyền sở hữu vĩnh viễn giấy phép ARMv8 và chip dựa trên kiến trúc này, bao gồm cả Kirin 990.

HarmonyOS sẽ giúp Huawei có thêm nhiều người dùng? Các chuyên gia cho rằng Huawei muốn xây dựng hệ sinh thái người dùng IoT đang còn sơ khai trước. Sau khi vững mạnh, Huawei sẽ mang Harmony lên smartphone.

130 đơn yêu cầu gỡ cấm vận, Mỹ vẫn án binh bất động với Huawei

Bộ Thương mại Mỹ đã nhận được hơn 130 đơn yêu cầu cấp phép bán hàng cho Huawei. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump chưa đưa ra động thái nào.



Nguyễn Hiếu

Bạn có thể quan tâm