Trong phiên tòa diễn ra vào ngày 4/3, Huawei Technologies đã không thừa nhận mọi cáo buộc trước đó của chính quyền ông Trump, bao gồm đe doạ an ninh viễn thông, gián điệp và các hoạt động "giúp đỡ" Iran chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ.
Huawei vừa được tuyên trắng án trước những cáo buộc ăn cắp sở hữu trí tuệ, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, công ty Trung Quốc cũng bị cáo buộc tội lấy cắp tài sản trí tuệ từ 6 công ty Mỹ trong nhiều năm. Mặc dù bản cáo bạch không nêu rõ tên các công ty này, mô tả trong đó cho thấy đây có thể là các công ty viễn thông như Cisco Systems, Motorola, T-Mobile US hay Cnex Labs.
Vào tháng 2, cơ quan công tố Mỹ còn buộc tội Huawei đã nói dối về việc làm ăn với Triều Tiên và Iran, vi phạm lệnh cấm vận từ Mỹ. Đây cũng là hai tội danh khiến cho bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei bị bắt tại Canada và chờ dẫn độ về Mỹ.
Về phía mình, Huawei liên tục cho biết các cáo buộc này "không có cơ sở và không công bằng". Họ cho rằng các cáo buộc "là nỗ lực của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm làm tổn hại danh tiếng và tình hình kinh doanh của Huawei vì những lý do liên quan đến cạnh tranh chứ không phải thực thi pháp luật".
Nhiều năm nay, chính quyền Mỹ coi Huawei là một mối nguy an ninh. Năm 2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen giao dịch công nghệ, yêu cầu mọi công ty Mỹ muốn bán công nghệ cho Huawei đều phải có giấy phép đặc biệt. Điều này khiến cho Google cắt đứt mối quan hệ với Huawei, đến nay các smartphone mới của hãng Trung Quốc đều không được sử dụng dịch vụ Google.
Trong khi đó, Mỹ cũng vận động các đồng minh không sử dụng thiết bị mạng 5G do Huawei sản xuất. Đến nay cả Đức và Anh, hai đồng minh lớn của Mỹ đều chấp nhận cho Huawei tham gia phát triển 5G. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc vẫn chưa thể ăn mừng.
Đức đang chờ thông qua bộ tiêu chuẩn bảo mật cho các thiết bị 5G, một rào cản kỹ thuật có thể dùng để loại bỏ thiết bị Huawei. Nhà mạng lớn nhất của Đức là Deutsche Telekom cũng tuyên bố không lựa chọn thiết bị của Huawei.
Huawei vẫn đang cố gắng "xuất khẩu" mạng 5G của mình sang thị trường châu Âu. Ảnh: DW. |
Trong khi đó, chính phủ Anh cũng cho biết gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc sẽ bị hạn chế tham gia vào một số “chức năng nhạy cảm”, cốt lõi. Đồng thời, lượng thiết bị của nhà sản xuất này cũng bị giới hạn ở mức 35% trong hệ thống.
Theo nhận định của Bloomberg, quyết định mới sẽ khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc càng tăng cao. Huawei cũng chưa thoát khỏi các biện pháp trừng phạt từ chính phủ Mỹ. Chính quyền của ông Trump đang xem xét sửa đổi một số quy định nhằm ngăn chặn các lô hàng chip được giao đến Huawei Technologies từ những công ty như TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Thượng viện Mỹ đã thông qua một đề xuất cho phép chính phủ hỗ trợ 1 tỷ USD cho các nhà mạng nhỏ để thay thế tất cả các thiết bị viễn thông có nguồn gốc từ Trung Quốc.