Trong hành động mới nhất nhằm ngăn chặn Huawei, Mỹ đã đưa công ty Trung Quốc này vào “danh sách xuất khẩu có kiểm soát”. Nếu muốn mua linh kiện, công nghệ từ Mỹ, Huawei phải được cấp phép đặc biệt. Tầm ảnh hưởng của lệnh cấm này được đánh giá là rất lớn, không chỉ tác động đến Huawei mà cả các công ty công nghệ khổng lồ như Qualcomm, Microsoft, Google.
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo CNN Business, Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất, thương hiệu điện thoại lớn thứ hai thế giới. Họ mua linh kiện từ hàng chục tập đoàn công nghệ Mỹ.
Vào năm 2018, Huawei mua 70 tỷ USD từ 13.000 nhà cung cấp linh kiện trên toàn cầu, trong đó có 11 tỷ USD từ các công ty Mỹ như chip của Qualcomm, Broadcom, phần mềm Microsoft, Google.
Chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ gián đoạn vì lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei. Ảnh: Nikkei. |
Con số này bị đe dọa nghiêm trọng sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei vào danh sách bị cấm nhập linh kiện từ các nhà sản xuất Mỹ mà không có giấy phép cũng như cấm công ty này cung cấp thiết bị tại Mỹ.
Các nhà phân tích của Eurasia Group đánh giá, việc Huawei nằm trong danh sách đen dẫn đến nguy cơ "cả công ty và mạng lưới khách hàng của họ trên toàn thế giới bị ảnh hưởng vì Huawei không thể nâng cấp phần mềm, bảo trì định kỳ và thay thế phần cứng".
Chẳng hạn người dùng điện thoại Huawei không thể cập nhật hệ điều hành Android của họ vì Google là đơn vị duy nhất cung cấp Android. Nếu không được cấp phép, Huawei không thể tìm đâu ra phiên bản thay thế.
Lệnh cấm của Nhà Trắng cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty nước ngoài không thể bán sản phẩm chứa linh kiện của Mỹ cho Huawei. Ví dụ như Huawei không thể mua chip từ nhà cung cấp Đài Loan nếu bên trong nó có chứa linh kiện của các công ty Mỹ.
"Quyết định này là động thái mới nhất trong chiến dịch chống lại Huawei được chính phủ Mỹ tiến hành vì lý do chính trị", Chủ tịch luân phiên Huawei Ken Hu nêu trong thông điệp gửi đến nhân viên hôm 17/5. "Công ty biết điều này có thể xảy ra từ nhiều năm trước. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều và chuẩn bị đầy đủ các phương diện".
Chuẩn bị trong nhiều năm
Theo SCMP, HiSilicon - công ty con đảm nhận việc sản xuất chip của Huawei - đã chuẩn bị từ nhiều năm trước cho kịch bản không mua được linh kiện quan trọng từ Mỹ.
"Một ngày nào đó, tất cả chip và công nghệ tiên tiến của Mỹ sẽ không thể mua được", Giám đốc HiSilicon He Tingbo đưa ra dự đoán trong một ghi chú nội bộ cách đây vài năm.
Đã đến lúc "chiếc lốp dự phòng" của Huawei đóng vai trò chủ chốt. Ảnh: Gizchina. |
Mặc dù hy vọng điều đó không bao giờ xảy ra, công ty phải chuẩn bị một "chiếc lốp dự phòng" để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh. Họ dành nhiều nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chipset.
Những năm gần đây, Huawei gặt hái được thành công khi liên tục tung ra dòng chipset có hiệu năng tương đương với Qualcomm. Thậm chí họ còn là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới làm ra SoC di động trên tiến trình 7 nm.
"Mỹ đã ra quyết định điên rồ nhất là đưa Huawei vào (danh sách xuất khẩu có kiểm soát)", bà He Tingbo nhận xét. "Giờ đây, khi lịch sử đã lựa chọn, ‘lốp dự phòng’ chúng tôi chế tạo đã chuyển sang Kế hoạch A".
Người đứng đầu HiSilicon còn đánh giá việc chuẩn bị tự cung ứng chip của Huawei "bi thảm và anh hùng như vạn lý trường chinh trong lịch sử khoa học và công nghệ". Vạn lý Trường chinh là cuộc rút quân kéo dài qua chặng đường 10.000 km của lực lượng do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo trong những năm 1930.
Thông qua HiSilicon, Huawei đã phát triển chipset riêng để sử dụng cho smartphone và các sản phẩm mạng của họ, thay thế linh kiện của Intel và Qualcomm. Vào tháng 3, công ty này cũng xác nhận đã phát triển hệ điều hành riêng cho smartphone và tablet trong trường hợp không thể sử dụng sản phẩm từ nhà cung cấp của Mỹ.
Ngoài ra, theo báo cáo của Haitong và Canalys, Huawei đã mua dự trữ những linh kiện quan trọng từ các công ty Mỹ đủ dùng trong một năm. Động thái này cho thấy họ có thể tiếp tục sản xuất với công nghệ cốt lõi từ Intel và Qualcomm thêm một thời gian nữa, trước khi chuyển hẳn sang linh kiện "cây nhà lá vườn".