Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm đáng kể

HSBC cho rằng sau hơn hai năm thương mại bùng nổ, giai đoạn chững lại đã đến. Các đơn hàng toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á, bao gồm Việt Nam.

HSBC dự báo "mùa đông" xuất khẩu đang tới với hàng loạt chỉ số vĩ mô sụt giảm cả trong nước và quốc tế. Ảnh: T.L.

HSBC vừa công bố báo cáo “Khó khăn bên ngoài gia tăng” với nội dung chính xoay quanh các số liệu Việt Nam đang bị ảnh hưởng không nhẹ khi thương mại toàn cầu chậm lại.

Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 11, lần đầu tiên trong vòng hai năm, Việt Nam chứng kiến mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu với suy giảm ở tất cả lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực điện tử và dệt may/da giày, hai trụ cột xuất khẩu của Việt Nam, đã giảm tốc do nhu cầu hạ nhiệt ở các nước phương Tây.

Theo HSBC, trong hai năm qua, các nhà xuất khẩu châu Á đã hưởng lợi nhiều nhờ nhu cầu đối với một số sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều lần xảy ra, Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đà tăng trưởng này đã kéo dài tới nửa đầu năm nay, tuy nhiên, các dấu hiệu mới nhất cho thấy ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

Cụ thể, dữ liệu tháng 11 cho thấy xuất khẩu giảm đã 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm sâu hơn so với dự báo của HSBC và thị trường (dự báo ban đầu giảm 2,3%).

SỐ LIỆU XUẤT KHẨU HÀNG HÓA HÀNG THÁNG CỦA VIỆT NAM
Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê.
Nhãn Tháng 1/2021 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Tháng 1/2022 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
Giá trị xuất khẩu tỷ USD 27.7 20 28.6 25.5 26 26.5 27 26.2 27 27.3 29.9 34.5 29 22.95 34.06 33.26 30.48 32.65 30.32 33.38 29.94 30.27 29.18
Tăng/giảm so với cùng kỳ % 50.5 -4.7 19.2 44.9 25.6 17.3 8.4 -5.4 -0.6 0.3 18.5 24.8 1.6 13.2 14.8 25 16.3 21 8.9 22.1 10.3 4.5 -8.4

Theo nhóm chuyên gia, việc đã thâm nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất toàn cầu, Việt Nam không tránh khỏi tác động do đợt thương mại toàn cầu chậm lại đáng kể này. “Nói cách khác, giai đoạn chững lại đã tới”, HSBC nhận định.

Trong đó, chỉ số PMI đã liên tục giảm từ tháng 5 năm ngoái, đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 với số lượng đơn hàng mới sụt giảm.

“Việt Nam thuộc diện đứng mũi chịu sào xét về mức độ bị tác động. Kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, trong đó, khoảng 90% phải giảm giờ làm”, báo cáo HSBC chỉ ra.

Theo các chuyên gia tại đây, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng trên là kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực điện tử - ngành chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - sụt giảm.

Theo đó, đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm nay, ảnh hưởng đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm công nghiệp.

Ngoài ra, các lĩnh vực xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang có xu hướng bị ảnh hưởng bởi nguy cơ suy thoái kinh tế, đặc biệt là ở Mỹ.

Trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài suy yếu, HSBC cho rằng nhu cầu trong nước bùng nổ đã hỗ trợ phần nào. Tuy tốc độ đã bắt đầu giảm nhiệt, doanh thu bán lẻ vẫn là trụ cột cho tăng trưởng trong tháng 11.

Dù vậy, lạm phát đang là vấn đề ngày càng đáng lưu tâm, vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước lần thứ hai.

Khác với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực tăng trong lĩnh vực năng lượng, kết quả của tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước. Mặt khác, cũng giống như các quốc gia, lạm phát cơ bản đã tăng mạnh, phản ánh thị trường lao động đang được cải thiện. Vì vậy, cộng với hiệu ứng cơ sở không thuận lợi, HSBC dự báo lạm phát sẽ còn gia tăng trong vài tháng tới.

Điều này khiến NHNN nhiều khả năng phải tiếp tục có những biện pháp tiền tệ để hãm phanh lạm phát.

CEO HSBC: Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới

Đại diện HSBC tin rằng việc quảng bá 15 FTA của Việt Nam sẽ thu hút nhà đầu tư tiềm năng, nhờ đó đưa Việt Nam ra chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cú sốc mới trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed

Một số dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, nhưng báo cáo việc làm tháng 11 nói lên điều ngược lại. Sức ép tiền lương có thể khiến bài toán của Fed nan giải hơn.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm