Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HSBC: 'Việt Nam đang giành được thị phần trên thế giới'

Theo báo cáo của ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC), lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng 12 đã tăng tháng thứ ba liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4.

Mới đây, HSBC đã công bố báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các nội dung về sức cạnh tranh của tỷ giá, sự biến động giá dầu và tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) đã tăng lên mức 52,1 điểm so với 51 điểm trong tháng 10.

Nhờ vào nguồn vốn FDI giải ngân ổn định và chi phí nhân công thấp, Việt Nam đang được hỗ trợ mạnh về sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng và tạo áp lực lên đồng nội tệ. Ngoài ra, giá dầu giảm nhanh sẽ kéo dài thâm hụt tài chính, dù xét về mặt tích cực, việc giảm giá đang giúp giảm chi phí, tăng sức mua và cải thiện lực cầu nội địa.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ở mức ổn định cao. Nguồn: HSBC.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ở mức ổn định cao. Nguồn: HSBC.

Ngân hàng này nhận định, Việt Nam đang giành được thị phần trên thế giới. Lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã chiếm 0,7% thế giới, tăng mạnh từ mức 0,4% năm 2007. Với các thị trường chính như Mỹ, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5%. HSBC cho rằng, với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phần thưởng lớn nhất mà Việt Nam đạt được sẽ là sự kết nối với các khu vực mang lại nhiều cơ hội xâm nhập thị trường nước ngoài cho hàng xuất khẩu.

Xét về khía cạnh ngoại hối, Việt Nam đang có tiềm lực cạnh tranh do tỷ giá thương mại đã được cải thiện trong những năm gần đây. Riêng những biến động về giá dầu trong thời gian qua, HSBC nhận định đây là cơ sở để giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm phí vận chuyển và nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ mở rộng chi tiêu, ở mức 5,6% trong năm 2015 so với mức 5,4% trong năm nay.

Đánh giá chung về triển vọng tích cực của nền kinh tế, báo cáo của ngân hàng này khẳng định, Việt Nam đang áp dụng chính sách đúng đắn khi giữ giá nhân công và sử dụng lợi thế tài nguyên để thu hút ngành sản xuất sử dụng nhiều vốn. "Chỉ cần Việt Nam tiếp tục cảo thiện tính hiệu quả của nguồn lao động, phân bổ vốn và tài nguyên đẻ bù đắp sự canh tranh về giá tất yếu sẽ bị ăn mòn trong tương lai, triển vọng của nền kinh tế sẽ sáng sủa", báo cáo kết luận.

T.A

Bạn có thể quan tâm