Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HSBC: Hạn mặn gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam

Dù giữ đánh giá lạc quan về triển vọng trung hạn của Việt Nam, HSBC vẫn giảm dự báo tăng trưởng năm 2016 và 2017 xuống lần lượt 6,3% và 6,6%, do tác động của thiên tai, hạn mặn.

Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải hôm nay công bố báo cáo đánh giá triển vọng thị trường Việt Nam. Nội dung của báo cáo là điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP, phân tích cơ hội và thách thức với thị trường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Về GDP, HSBC đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ không đạt được con số 6,7% như dự đoán trước đó, mà chỉ có thể ở mức 6,3% trong năm 2016. Mức tăng cho năm 2017 cao hơn, đạt khoảng 6,6%, nhưng thấp hơn dự báo đưa ra từ đầu năm là 6,8%.

HSBC cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu và hạn mặn đã khiến nhiều ngành kinh tế chính của Việt Nam chịu thiệt hại nặng, gây ảnh hưởng chung tới GDP. Con số tăng trưởng quý I/2016 chỉ là 5,6% so với quý I/2015 và chỉ tăng 0,9% so với quý IV/2015 được xem là thấp nhất kể từ quý I/2008.

han man anh huong kinh te anh 1
Thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Nguồn: HSBC.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm gần một nửa số lao động tại Việt Nam nên ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả lớn đối với xã hội.

Báo cáo này cũng đánh giá các biện pháp nâng cao an toàn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến hoạt động của ngành xây dựng, bất động sản bước vào giai đoạn suy giảm. Quá trình tăng lãi suất của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ được dự đoán sẽ được lùi lại cho tới quý III/2017 khiến cơ hội nới lỏng các biện pháp tiền tệ càng ít, trong khi tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao hơn vào năm 2017.

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn được đánh giá là cao nhất trong khu vực. Cách thức xây dựng chính sách thận trọng. ưu iên phát triển ổn định kinh tế vĩ mô được dự đoán sẽ tạo ra lực đẩy trong tương lai, vì chúng đảm bảo quá trình khôi phục kinh tế sẽ diễn ra bền vững hơn. Thâm hụt tài khoản vãng lai, vì thế, cũng sẽ giảm dần.

Cùng với nguồn FDI chảy vào mạnh mẽ, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam năm 2016 dự báo sẽ dư dả, giúp tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối vốn đang rất mỏng.

Theo HSBC, con số dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đã đạt 33,6 tỷ USD vào cuối quý I/2016, từ mức 29,9 tỷ USD mà IMF đưa ra vào tháng 11/2015. Đồng Việt Nam vẫn có nguy cơ tiếp tục giảm giá trong năm 2016, nhưng sẽ ở mức kiểm soát, đạt khoảng 23.000 đồng đổi một USD vào cuối năm 2016.

Ngân sách khó khăn thì giảm chi chứ ai lại tăng thu

Khi ngân sách gặp khó khăn phải tìm cách giảm chi, hạn chế những dự án đầu tư kém hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân làm ăn, thay vì "đẻ" ra thêm nhiều thứ thuế.


Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm