Khách Trung Quốc đến Cam Ranh sáng mùng 2 Tết Quý Mão. Ảnh: Xuân Hoát. |
Trong báo cáo mới nhất, HSBC gọi du lịch là "một phần cứu cánh" cho nền kinh tế Việt Nam năm nay. Giữa lúc thương mại gặp khó, các chuyên gia kinh tế tại tổ chức tài chính này cho rằng du lịch sẽ là một ngành then chốt và là nguồn tăng trưởng mới.
Thực tế, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại từ tháng 3/2022, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng du lịch quốc tế, vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại không mấy sôi động. Lượng khách quốc tế năm qua chỉ khoảng 3,6 triệu lượt, tương đương 20% kết quả năm 2019.
"Điều đó càng nhấn mạnh tiềm năng đáng kể để mảng dịch vụ tiếp tục phát triển trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại", HSBC nhận định.
Theo đơn vị này, một trong những lý do để kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn của ngành du lịch là việc Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ, tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn xét trên nhiều phương diện.
HSBC phân tích dù chi tiêu thấp hơn du khách châu Âu và Mỹ, khách Trung Quốc vẫn chi tiêu nhiều hơn và ở lại Việt Nam lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á. Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận "cú hích" này.
"Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, chúng tôi tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc đạt 50-80% so với mức trước dịch (3-4,5 triệu lượt), là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam", các chuyên gia tại HSBC dự báo.
Tầm quan trọng của khách du lịch Trung Quốc tại từng thị trường ASEAN. Nguồn: CEIC, HSBC. |
Ghi nhận của Cục Hàng không cho thấy Việt Nam đã đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế qua đường hàng không trong tháng đầu năm nay, tăng 10% so với tháng 12/2022 và tăng vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên trong số này, khách Trung Quốc vẫn chỉ chiếm thiểu số, chủ yếu là khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Á, châu Âu...
Trong báo cáo lần này, HSBC cũng cho rằng ngành du lịch cần khai thác thêm các thị trường mới thay vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình quảng bá để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ - một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam.
Đồng thời, việc nới lỏng chính sách thị thực, đi kèm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng có thể giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn với các du khách thế giới. HSBC gợi ý phát triển du lịch thể thao, trong đó có du lịch golf như mục tiêu của thành phố Hà Nội.
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến tăng hơn 30%, dù vẫn thấp hơn mức của năm 2019.
Một thống kê mới đây của Tổng cục Du lịch cho biết nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp đang tăng trưởng, với số cơ sở tiêu chuẩn 4-5 sao tăng bình quân 12%/năm trước đại dịch.
Hiện một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tích cực mở cơ sở mới tại Việt Nam, như La Festa Phú Quốc, Curio Collection by Hilton dự kiến khai trương vào giữa năm nay, hay Marriott International có kế hoạch bổ sung thêm 9.000 phòng so với 3.300 phòng hiện tại.
"Với tham vọng tầm quốc gia và các dự án phát triển khác nhau đang diễn ra, về cơ bản triển vọng ngành du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn tích cực", HSBC kết luận.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.