Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa có báo cáo đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả thị trường trong khu vực một thập kỷ qua. Trong đó, quy mô thị trường đã tăng gần 4 lần, còn lợi nhuận từ cổ phiếu luôn tăng trưởng vững vàng.
Năm 2021, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt đã vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP cùng năm. Hiện tại, dù đã giảm 10%, chứng khoán Việt vẫn tăng cao hơn các thị trường khác.
Nền kinh tế vững vàng
Các chuyên gia của HSBC cho rằng thị trường chứng khoán Việt đang trong giai đoạn tăng trưởng, với trợ lực chính là tăng trưởng kinh tế; dự trữ ngoại hối ổn định; nền kinh tế có vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và tiêu dùng nội địa đang lên.
Theo HSBC, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đón nhận làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất để tiếp cận với nguồn đất đai và nhân công giá rẻ. Vì vậy, Việt Nam đã trở thành ứng viên nổi bật trong cuộc đua giành thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Thị phần này của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần, từ mức 0,5% năm 2010 lên 1,6% vào năm 2020. Thực tế, trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 89 tỷ USD, vượt qua Thâm Quyến (thành phố xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc) với mức 62 tỷ USD.
Theo HSBC, Việt Nam đang là ứng viên nổi bật trong cuộc đua giành thị phần xuất khẩu toàn cầu. Ảnh: Thạch Thảo. |
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với việc tạo điều kiện giúp thủ tục thành lập doanh nghiệp dễ dàng, thủ tục đăng ký đất đai, quy trình cho vay, cùng với chi phí sản xuất thấp, Việt Nam đang trở thành nơi lý tưởng để xây dựng nhà máy mới. Đây cũng là những lý do giúp Việt Nam đang giành thị phần xuất khẩu từ Thái Lan và Malaysia.
Không chỉ xuất khẩu, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và logistics cũng hỗ trợ nhiều cho một loạt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và bất động sản nhà ở.
Ngoài ra, HSBC cho rằng Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030.
Thị trường chứng khoán đang lên
Với những trợ lực từ kinh tế vĩ mô, HSBC nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận những thay đổi lớn.
Trong đó, số người có thu nhập ổn định, lương cao hơn và có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc khoản vay thế chấp tăng là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu của thị trường.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, những nhà đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán không phải nhóm nước ngoài mà là trong nước.
Theo đó, thị trường đang chứng kiến sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản tăng hơn 2 lần trong từ tháng 12/2018 đến năm 2021. Riêng năm 2021, đã có 1,5 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân được mở mới trong khi hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm đáng kể từ năm 2018.
Các nhà đầu tư trong nước hiện chiếm 87% tổng giao dịch trên thị trường chứng khoán, còn nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 13%.
Trong 10 năm qua, cổ phiếu của của Việt Nam đã vượt qua các nước châu Á (không tính Nhật Bản). |
Thực tế, thời điểm những nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia thị trường cũng là lúc dòng tiền khối ngoại rút đi với 27/33 tháng gần nhất ghi nhận giao dịch bán ròng. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, dòng vốn ngoại này đã có dấu hiệu quay trở lại.
Cơ cấu dòng tiền phân bổ vào các cổ phiếu cũng thay đổi lớn khi các cổ phiếu tiêu dùng từng thống trị năm 2015, đến nay nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản mới là nhóm chiếm phần lớn nhất với 57% (năm 2015 tỷ lệ này mới là 38%).
Nếu như dòng tiền trước đây chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu lớn thì đến nay nhóm 10 cổ phiếu đứng đầu thị trường chỉ còn chiếm chưa tới 20% tổng giá trị giao dịch. Con số này tương đối thấp khi dòng tiền đang dần chuyển sang các công ty có giá trị vốn hóa thấp hơn.
Cùng với những thay đổi kể trên, thanh khoản chứng khoán Việt cũng đã tăng mạnh những năm qua, là kết quả của đợt gia tăng số lượng nhà đầu tư trong nước.
Hiện giá trị giao dịch bình quân ngày trên sàn HoSE đã tăng gấp 10 lần năm 2020, vượt mốc 1 tỷ USD/ngày. Theo HSBC, với diễn biến này, chứng khoán Việt Nam đã có thanh khoản cao thứ 2 trong khu vực, vượt trên cả Singapore và Indonesia.
Tiến tới thị trường mới nổi
Theo các chuyên gia của HSBC, để được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam cần đáp ứng một số điều kiện. Nổi bật trong đó là giới hạn sở hữu nước ngoài; công bố thông tin bằng tiếng Anh; xây dựng có thị trường nội tệ ở nước ngoài; củng cố thị trường nội tệ trong nước…
Tuy nhiên, các vấn đề này sẽ được xem xét khi Việt Nam thông qua các luật mới về chứng khoán, đầu tư và doanh nghiệp.
Thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng gấp 10 lần so với năm 2020. |
Hiện Việt Nam đã áp dụng Luật Chứng khoán 2019 nhằm tái cơ cấu thị trường. Bộ luật này có một số điểm mới, trong đó bao gồm hệ thống thanh toán - bù trừ giao dịch dưới mô hình Đối tác Bù trừ Trung tâm và Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Chứng chỉ này cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm tình hình của những mã cổ phiếu đã hết room sở hữu nước ngoài mà không cần tham gia vào việc ra các quyết định của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống giao dịch mới KRX (do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cung cấp) được kỳ vọng đi vào hoạt động cuối năm nay sẽ cải thiện giao dịch, tiếp cận thông tin và triển khai sản phẩm mới như giao dịch trong ngày (T+0). Đặc biệt là nhà đầu tư sẽ không cần ký quỹ trước giao dịch khi mua chứng khoán.
Theo HSBC, các thay đổi này có thể giải quyết phần lớn mối bận tâm của các nhà cung cấp chỉ số.
Tháng 9/2018 trước đó, FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi, dự kiến vào tháng 9/2022.
Trong khi đó, MSCI hiện chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét, tuy nhiên nếu thực hiện các cải cách Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới). Và việc lọt vào danh sách xem xét của MSCI có thể dẫn đến nguồn vốn đổ vào thị trường gia tăng.