Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hotline Bí thư Thăng và câu chuyện dân nguyện

Đường dây nóng là dân nguyện, đâu phải là quy trình thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân mà cần một cửa. Kênh nào, con đường nào hiệu quả, dân tin thì dân tìm đến để phản ánh.

Đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng vừa được lập để tiếp nhận thông tin phản ánh, góp ý, hiến kế xây dựng, phát triển TP HCM. Sự kiện này thành chuyện thời sự đang được nhiều người quan tâm, theo dõi, bàn luận. Đây là cầu nối, là cách chuyển tải ý kiến, nguyện vọng nhanh nhất từ người dân đến lãnh đạo thành phố.

Chia sẻ thông tin

UBND TP đang đề xuất bí thư chuyển đường dây nóng cho UBND TP, với lý do thống kê hàng nghìn cuộc gọi và tin nhắn, thì thấy phản ánh của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đa số đều liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP, ít có vấn đề liên quan đến công tác Đảng. Vì vậy, nếu giao số 0888 247 247 cho UBND TP xử lý nhanh sẽ giảm được một quy trình, tăng thời lượng giải quyết.

Hotline của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng

.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Bí thư cần có kênh để người dân thông tin, để lãnh đạo lắng nghe dân, và cũng là kênh để giám sát cơ quan nhà nước. 

Nhìn chung các vấn đề không thể quy trách nhiệm xử lý cho riêng một ai. Trong đặc thù của thể chế chính trị của nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện nên phải biết hết nắm hết tình hình mọi chuyện trong dân cư. Vấn đề ở đây là chia sẻ thông tin, quan trọng nhất là thông tin đến kịp thời, đúng địa chỉ xử lý vụ việc, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Việc phản ánh qua kênh nào là quyền lựa chọn của dân. Đường dây nóng là dân nguyện, đâu phải là quy trình thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân mà cần một cửa.

Kênh nào, con đường nào hiệu quả, dân tin thì dân tìm đến, để phản ánh. Đa dạng các kênh thông tin chính là cách tôn trọng quyền lựa chọn của dân. Ngày xưa, bên cạnh hệ thống xét xử, nhà vua còn để ngỏ việc đánh trống kêu oan cơ mà.

 

Quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước

Thực ra, quan điểm đa chiều liên quan đến đường dây nóng xuất phát từ đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam, với sự chồng chéo về trách nhiệm. Ở đây cần nhắc lại một vài khái niệm để có sự thống nhất cao trong xử lý các mối quan hệ trong hệ thống chính trị.

Đảng là một tổ chức chính trị nằm trong hệ thống chính trị, hơn nữa lại là "hạt nhân" lãnh đạo của hệ thống chính trị, nên Đảng cũng có quyền lực chính trị. Tuy nhiên Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước. Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội, Nhà nước là bộ máy thống trị, quản lý xã hội.

Vấn đề lâu nay được đề cập quan tâm nhiều là làm sao rạch ròi như phối hợp hài hòa giữa quyền lực chính trị và quyền lực Nhà nước, nói cách khác giữa sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước.

Đảng cùng với chính quyền đều phải lắng nghe dân. Trong một nền hành chính phát triển, người ta chủ trương xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với công chúng bằng biện pháp lắng nghe tiếng nói công dân. Cụ thể là chính quyền xây dựng định hướng xem công chúng vừa là công dân vừa là khách hàng.

Chính quyền quan hệ với nhân dân trên tư cách như với quan hệ của nhà cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng. Người dân có quyền và nghĩa vụ trước chính quyền. Việc xem người dân là khách hàng là thích hợp khi chính quyền cung cấp các loại dịch vụ cụ thể như điện, nước hay y tế, giáo dục kể cả dịch vụ hành chính công.

Định hướng ấy giúp nâng cao chất lượng của mối quan hệ tương tác giữa chính quyền và nhân dân bằng việc bác bỏ quan niệm cho rằng nhân dân chỉ là người được hưởng một cách thụ động dịch vụ do các cơ quan độc quyền của chính quyền ban phát. Thay vào đó, cơ quan công quyền tạo điều kiện cho nhân dân thường xuyên chất vấn, thay đổi văn hoá tư duy cũ bằng định hướng phục vụ với chế độ trách nhiệm cao.

Trên tinh thần ấy, Đảng và chính quyền đều phải lắng nghe phản ánh của dân, còn việc hành xử với các thông tin đó thì khác nhau.

Nhưng dù làm gì, hành xử ra sao thì quan trọng là đạt được đích cuối cùng: cuộc sống của dân tốt hơn, xã hội ngày càng đáng sống, kinh tế phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.


Diệp Văn Sơn (nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ)

Bạn có thể quan tâm