Các địa phương có diện tích thả nuôi tôm càng xanh tập trung nhiều là Lai Vung, Cao Lãnh, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tháp Mười, Tam Nông…
Nuôi theo con nước
Thực tế cho thấy, ở các vùng ruộng ngập sâu (khoảng trên dưới 1m), tôm càng xanh thích nghi và phát triển nhanh so với mô hình nuôi trong ao. Những nông dân nuôi tôm càng xanh lâu năm đều nhận xét như vậy.
Nông dân thu hoạch tôm càng xanh mùa nước nổi. |
Ông Trần Ngọc Nguyên ở ấp Hòa Bình, xã Long Thắng, huyện Lai Vung cho biết tôm càng xanh thích nước phù sa hơn nước trong ao. Hơn nữa nước nổi là nước có lớn có ròng, nghĩa là nguồn nước luôn động nên nó là điều kiện tốt để tôm phát triển. “Năm nay, toàn bộ diện tích đất trồng lúa hơn 1ha của tôi đều thả nuôi tôm càng xanh. Tôi đã thả 120.000 con tôm giống được hơn ba tháng nay, đang phát triển rất tốt”, ông Nguyên hứng hở cho hay.
Theo kinh nghiệm của nhiều lão nông, năm nào nước càng cao thì tôm càng mau lớn và tỷ lệ hao hụt càng thấp. Những nơi nào bị ngập sâu thì làm kết hợp một vụ tôm xen giữa hai vụ lúa sẽ rất “trúng mùa, trúng giá”.
Lãi cao gấp nhiều lần trồng lúa
Theo lão nông Hồ Thanh Liêm (ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung), nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi chi phí không lớn nhưng hiệu quả cao. Tính ra trung bình trong 8 đến 9 tháng thả nuôi, cứ 1ha tôm càng xanh cho lãi gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, những năm được giá thì lãi còn cao hơn. “Tùy giá cả thị trường, như mùa nước nổi năm rồi tôi thả nuôi 1,8ha, thu hoạch được gần 4 tấn, bán giá 240.000 đồng/kg, trừ hết chi phí lãi trên 450 triệu đồng”, ông Liêm tiết lộ.
Huyện Tam Nông được xem là trung tâm nuôi tôm mùa nước nổi của tỉnh Đồng Tháp với diện tích thả nuôi mỗi năm mỗi tăng. Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện, dự kiến đến năm 2015, toàn huyện sẽ đạt khoảng 3.000ha diện tích thả nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Phước Thiện (thị trấn Tam Nông, huyện Tam Nông), người đã có 5 năm nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi cho hay: “Năm đầu tiên do mới chập chững nuôi chưa có kinh nghiệm nên tôi chỉ lãi 200 triệu đồng; năm 2010 lãi tăng trên 250 triệu; mùa nước nổi 2011 lãi trên 350 triệu. Năm vừa rồi (2013), tôi cũng thả nuôi gần 5ha tôm càng xanh, thu hoạch được hơn 7 tấn, bán được giá từ 160.000 đến 230.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 2,1 tỷ đồng”.
Thạc sĩ Võ Bé Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp cho biết: “Do mùa nước nổi, nước có lưu lượng chảy gần như liên tục nhưng tốc độ dòng chảy của nước khi tràn đồng là không lớn, thích nghi với tôm càng xanh. Đặc biệt, trong mùa nước nổi, do lượng nước rất lớn nên tỷ lệ ô nhiễm thấp; nước lưu động liên tục nên mầm bệnh cũng bị hạn chế, tôm càng xanh ít bị bệnh hơn so với những tháng mùa khô hay tôm nuôi trong ao”.
Ông Lê Hoàng Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp thông tin: “Tổng diện tích nuôi tôm càng xanh của tỉnh Đồng Tháp khoảng 1.100ha, sản lượng trung bình hàng năm đạt 1.700 tấn, chủ yếu là nuôi tôm ở ruộng lúa vào mùa nước nổi. Đây là mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ tôm. Mô hình này đang có hướng phát triển tốt, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân vùng lũ đầu nguồn”.