Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hốt bạc từ kinh doanh 'quân trang nhí'

Quần, áo, mũ gậy…đều được làm mô phỏng giống hệt quân phục của lực lượng Cảnh sát giao thông, bộ đội, khiến các “thượng đế nhí” thích thú và đòi mua bằng được. Cũng nhờ vậy, nhiều điểm bán loại đồ này mọc lên như “nấm sau mưa” và tha hồ hét giá.

Hốt bạc từ kinh doanh 'quân trang nhí'

Quần, áo, mũ gậy…đều được làm mô phỏng giống hệt quân phục của lực lượng Cảnh sát giao thông, bộ đội, khiến các “thượng đế nhí” thích thú và đòi mua bằng được. Cũng nhờ vậy, nhiều điểm bán loại đồ này mọc lên như “nấm sau mưa” và tha hồ hét giá.

Khảo sát thực tế, có hàng trăm điểm bán “quân trang nhí” trên địa bàn TP.HCM. Ngoài những điểm bán cố định, trên vỉa hè, thì còn một lực lượng lớn chuyên bán di động. Bởi vậy, giá cả mỗi nơi một khác, nhưng dao động từ 180 đến 250 ngàn đồng/bộ. Trên các tuyến đường như Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), Trần Não (quận 2), 3/2 (quận 10), Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Xuân Diệu (quận Tân Bình), Lũy Bán Bích (quận Tân Phú)… bày bán đủ các loại trang phục mô phỏng ngành công an, cùng với mũ, dùi cui, súng nhựa, còi…

 

Những bộ "quân trang nhí" được bán với giá từ 180.000 đến 250.000 đồng/bộ.

Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, chị Hòa (ngụ phường 15, quận Tân Bình) hỏi con trai “muốn quà gì mẹ sẽ tặng”, không cần suy nghĩ, cậu bé 5 tuổi trả lời: “Mua cho con bộ quần áo công an. Lớp con nhiều bạn có lắm”. Chở con vào một số shop đồ trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) chị Hòa không thấy loại quần áo nào như con mình mô tả.

 

"Quân trang nhí"... từ mũ, gậy, quần áo có đủ.

Theo chỉ dẫn của một người bạn, chị Hòa chạy sang đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) thì quả nhiên, có hàng chục điểm bán, trưng bày ngay sát lề đường. Cầm một bộ quần áo mô phỏng theo cảnh phục của Cảnh sát giao thông (CSGT), chị Hòa được người bán thông báo giá là 250 ngàn/bộ. Thấy chất liệu vải bình thường, đường chỉ may sơ sài nên chị Hòa thắc mắc thì được giải thích: “Các mẫu đồ này đang sốt lắm, chất liệu vải thì bình thường thật nhưng kiểu dáng thì độc quyền”. Thấy cậu con trai cứ nằng nặc đòi nên chị Hòa đành chấp nhận.

Chuyện “quân trang nhí” đang được bán nhan nhản ngoài đường cũng kèm với những câu chuyện khá hài hước. Chị Nguyễn Thị Thúy (25 tuổi), giáo viên trường mầm non T.N (Tân Bình) kể, đầu tuần trước khi đến lớp chị Thúy bất ngờ vì một phụ huynh cho con mình mặc quần áo CSGT đến trường. Khi vào gần đến cửa lớp, cháu bé nằng nặc đòi mẹ quay ra xe lấy cho cây gậy có dán giấy sọc ngang 2 màu trắng đỏ và cả chiếc mũ.

 

Một xe bán "quân trang nhí" di động.

Khi đã đủ bộ, chú CGST “nhí” bước vào lớp trước sự “ngưỡng mộ” của các bạn trong lớp. Sau đó các bé khác thay nhau mượn gậy và mũ cảnh sát giao thông để đội. “Ban đầu tôi cũng thấy cháu bé mặc đồ như vậy thì rất ngộ nghĩnh. Nhưng vài ngày kế tiếp, tôi và mấy cô giáo trong trường có lúc phải giật mình vì có lớp đến 10 bé cùng mặc đồ cảnh sát giao thông. Hóa ra, các cháu đòi ba mẹ mua cho bằng được để giống các bạn, nếu không có nhất định không chịu đi học. Chúng tôi đã phải nhắc 'khéo' các phụ huynh không để tình trạng này xảy ra đại trà, để các em ăn mặc theo quy định của trường” - chị Thúy kể.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại “quân trang nhí” chủ yếu được sản xuất từ những cơ sở may tư nhân, quy mô nhỏ. Bà N., chủ một xưởng may tại quận Tân Phú cho biết, hiện mỗi bộ quân trang nhí xuất xưởng bán sỉ với giá 60.000 - 90.000 đồng, khi ra ngoài thị trường, người bán đẩy giá lên gấp 2 hoặc 3 lần. “Khoảng 4 tuần trở lại đây, công nhân chỗ tôi may không kịp vì nhiều người đặt quá. Chắc ngoài thị trường hút hàng dữ lắm” - bà N. khẳng định.

Cũng theo bà N., hiện đang xuất hiện nguồn hàng từ nhiều tỉnh thành lân cận đổ về TP.HCM. Sau khi một số cơ sở may đã “sáng kiến, chế tạo” ra mẫu đồ “quân trang nhí” thì mẫu này được lan truyền nhanh chóng. “Chi phí ít, dễ may, dễ bán, chỗ nào mà chả muốn làm và quan trọng hơn, đối tượng phục vụ là trẻ em nên ít bị cơ quan chức năng 'làm khó'” - bà N. nhấn mạnh.

Nghị định 59/2006/NĐ-CP đã quy định chi tiết về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, trong đó xác định rõ vũ khí quân dụng, quân trang… thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Nếu thương nhân, cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Một số loại quân trang giả mà các đối tượng sử dụng vào hành vi bất chính bị thu giữ.

Tuy nhiên, theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, thực tế đã có quy định về việc cấm kinh doanh các mặt hàng quân trang nhưng quy định này chỉ cấm đối với mặt hàng quân trang dành cho người lớn, còn đối với mặt hàng dành cho trẻ em chưa có quy định cụ thể. Cũng theo cán bộ này phân tích, thì những mặt hàng “quân trang nhí” không gây ảnh hưởng gì đến xã hội, việc cho các em mặc các bộ quân phục của CSGT, bộ đội… có thể giúp các em trang bị nhận thức đúng đắn.

Dù việc sản xuất, mua bán quần áo “quân trang nhí” được xem là vô hại nhưng cũng cần xem xét về cách quản lý sản phẩm, chất lượng. Dư luận không khỏi đặt ra nghi vấn, nếu những bộ “quân trang nhí” được may giống y như thật thì liệu có sự lạm dụng để “cho ra lò” những bộ quân trang người lớn? Những bộ quân trang đó có bị kẻ gian sử dụng vào các hành vi phi pháp như hàng loạt vụ án đã xảy ra?

Theo Dân trí

Theo Dân trí

Bạn có thể quan tâm