“Nếu bạn thật sự yêu thích thời trang và có phong cách riêng thì nên tìm tới thời trang thiết kế. Nhiều người nghĩ phải có tiền mới dám mặc đồ thiết kế, nhưng thật ra chỉ cần khoảng 400.000 – 800.000 đồng là có đồ ưng ý rồi”, Hoàng Anh (SV năm 2 trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ.
Là sinh viên tỉnh lẻ, không dư dả kinh tế nhưng vì đam mê thời trang nên Hoàng Anh thường dành dụm tiền để đặt may những bộ đồ vừa vặn với vóc dáng và mang phong cách của riêng cô. Để tiết kiệm, cô tìm tới địa chỉ chuyên may đồ thiết kế và trang phục biểu diễn cho học sinh sinh viên trên phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Chị Hiền, chủ hiệu may là người có nhiều năm kinh nghiệm, may được tcác thể loại trang phục từ quần áo, váy, đầm, vest… với công may từ 250.000 đồng/đầm và 150.000 đồng/quần hoặc áo.
Thời trang thiết kế ngày càng hút người bán, khách mua. Ảnh: FB |
Không chỉ may khéo, chị Hiền còn có thể phác họa các mẫu mốt khá nhanh dựa trên mô tả của khách hàng, tư vấn khách chọn chất liệu vải và màu sắc phù hợp vóc dáng. Mỗi chiếc đầm thiết kế tại đây có giá 400.000 – 800.000 đồng. Chỉ nhận đặt hàng trực tiếp, trung bình mỗi ngày đón khoảng chục lượt khách sinh viên, nhân viên văn phòng tới đặt may, chị Hiền thu về hơn 30 triệu đồng/tháng.
Để tiện cho khách chọn kiểu, chủ hàng liên tục cập nhật những catalogue, hình ảnh các bộ sưu tập mới nhất và tư vấn cho khách cách lựa chọn chi tiết, phối hợp màu hiệu quả. Theo chị Hiền, muốn may giống mẫu catalogue nhất, khách chỉ nên chọn các mẫu đơn giản, chi tiết dễ nhận diện, tạo điểm nhấn ở những đường cắt cúp đẹp, tôn dáng và phối màu phù hợp. Cửa hàng của chị Hiền chỉ là một trong hàng trăm địa chỉ may đo thường xuyên được dân thủ đô rỉ tai nhau tìm đến. Một số cửa hàng may đo nhờ gắn mác thời trang thiết kế đã “lên đời”, trở thành “thương hiệu” hút khách.
Không được đào tạo bài bản về thời trang, thậm chí không học nghề, nhưng gần 2 năm nay, các sản phẩm thời trang thiết kế của Bích Ngọc (SN 1988, Chùa Bộc, Hà Nội) lại được nhiều khách hàng nữ yêu thích. Lập tài khoản bán hàng online, Ngọc nhận đặt may thiết kế riêng, bán thời trang thiết kế may sẵn, hàng nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng… Công việc mỗi ngày của chị là xem các mẫu thời trang trên tivi, các website thời trang quốc tế, mày mò thêm mẫu trong catalogue, rồi kết hợp các thiết kế đẹp trên một tổng thể để cho ra đời những mẫu mới hợp gu khách hàng.
Nhờ có sự nhạy cảm về xu hướng, thẩm mỹ, biết cách phối màu hợp lý, sau 2 năm, Bích Ngọc đã có những khách hàng quen, thậm chí chỉ chờ ra mẫu là chi tiền. “Mình hướng tới đối tượng khách công sở, có thu nhập ổn định, sẵn sàng chi tiền để làm đẹp mỗi ngày”, Ngọc cho biết. Hàng thời trang thiết kế bán sẵn của Ngọc hiện có giá trung bình 800.000 - 1 triệu đồng/sản phẩm Hè – Thu, 1,5 – 3 triệu đồng/ sản phẩm Thu - Đông.
“Khách hàng tìm đến đầm thiết kế thường là những người chê hàng chợ, nhưng không đủ tiền hoặc không hợp với hàng hiệu, hàng nhập khẩu. Người Việt Nam có vóc dáng nhỏ, vai nhỏ nhưng eo bánh mì, chiều cao khiêm tốn nên có tiền mua hàng hiệu mặc cũng không đẹp. Chưa kể hàng thời trang mua về mà chỉnh sửa thì mất cả dáng lẫn giá. Nhờ vậy hàng thiết kế mới lên ngôi”, Bích Ngọc cho hay.
Để tránh hàng tồn, đối với hàng thiết kế bán sẵn, Bích Ngọc chỉ tạo mẫu theo phong cách freesize, kiểu dáng đơn giản với các gam màu cơ bản như đen, trắng, đỏ. Thuê thêm 4 nhân viên làm cùng, shop thời trang thiết kế online này không chỉ có những mẫu riêng theo phong cách freesize được nhiều chị em ưa chuộng mà còn liên tục cho ra đời những sản phẩm thời trang may sẵn “nhái” nhiều thương hiệu nổi tiếng như H&M, Zara, Asos, Mango… “Chị em văn phòng thường thích hàng fake vì thương hiệu, kiểu dáng thời thượng và sang trọng mà giá lại rẻ”.
Do đem lại lợi nhuận cao, một số địa chỉ bán hàng ngoại nhập có tiếng tại Hà Nội cũng dần lấn sân sang cả lĩnh vực thời trang thiết kế. N.M, chủ chuỗi cửa hàng thời trang xuất – nhập khẩu đình đám đất Hà thành 2 năm nay cho hay: “Bán hàng thời trang thiết kế lãi gấp nhiều lần hàng xuất nhập khẩu, do vốn thấp, chủ động nguồn nguyên liệu, tự áp giá thành. Hàng hiệu nhập khẩu luôn có giá niêm yết công khai trên website của hãng, vốn nhập bỏ ra lớn lại ngốn chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng, bảo quản… Đó là chưa kể tới việc khi lấn sân sang kinh doanh hàng thiết kế, mình có thể cho ra đời thương hiệu thời trang của riêng mình, có phong cách riêng, cho dù phải thừa nhận, thời gian đầu những mẫu thiết kế ấy chỉ là sản phẩm ăn theo, vay mượn ý tưởng của nhiều BST nổi tiếng”.
Chu Hương Giang, SV năm cuối chuyên ngành Thiết kế thời trang, trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, đang nhận thiết kế và may đo cho bạn bè, khách hàng quen trong thời gian rảnh, cho biết một vài bạn học cùng lớp cô đã bỏ học vì… ham làm giàu từ kinh doanh thời trang này. “Nhiều sinh viên chuyên ngành thiết kế chỉ cần hết năm thứ 3 đã có thể ra làm nghề, thậm chí kiếm sống được từ nghề.