Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HoSE nhận bão đánh giá 1 sao

Thị trường chứng khoán không chỉ bị điều chỉnh mạnh trong những phiên gần đây mà còn ghi nhận nhiều “bức xúc” của nhà đầu tư khi phải giao dịch “mù” trong phần lớn phiên giao dịch.

Nhà đầu tư chứng khoán đang trải qua nhiều cảm xúc đan xen, không chỉ lo lắng về chỉ số VN-Index giảm điểm và còn có nhiều bức xúc liên quan đến sự cố nghẽn lệnh và hiển thị hệ thống hay tình trạng hủy/sửa lệnh cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Qua thời nhận đánh giá 4-5 sao

Địa chỉ số 16, đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM - Trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) - đang nhận bão đánh giá 1 sao trên Google và nhiều bình luận “gay gắt” trong sáng 9/6.

Trước thời điểm mở cửa phiên giao dịch sáng, số sao trung bình đã giảm xuống dưới con số 2. Hiệu ứng nhanh chóng lan rộng đến cộng đồng nhà đầu tư và tính đến 11h sáng, tổng số lượt đánh giá lên đến 848 lượt với điểm số bình quân chỉ còn 1,2 sao.

Hàng loạt bình luận cũng được thêm vào các đánh giá như “Cơ quan hàng đầu, nắm giữ vai trò quan trọng bậc nhất của đất nước mà chất lượng cực kỳ tồi tệ”, “Quá thất vọng vì cách xử lý của lãnh đạo, coi thường nhà đầu tư”, “Nhà cái chơi gian lận” hay “Tôi phải trả phí cho từng giao dịch. Vậy hệ thống nghẽn, đơ, không được phép sửa/huỷ lệnh, gây thiệt hại cho tôi thì ai chịu trách nhiệm?”.

HoSE bi bao danh gia 1 sao tren Google anh 1

Trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thậm chí có một số bình luận tỏ ra gay gắt hơn khi yêu cầu lãnh đạo cơ quan này từ chức như “Chất lượng giao dịch rất tồi, thể hiện tầm nhìn và khả năng của lãnh đạo HoSE rất yếu kém, đề nghị thay lãnh đạo ngay”, hay “Hệ thống quá chán, cho xử lý bao nhiêu lâu cũng không giải quyết được vấn đề, nên thay đổi người đứng đầu để xử lý công việc được tốt hơn”.

Quay lại cách đây hơn 1 năm trước, trụ sở của HoSE nhận được rất nhiều đánh giá tích cực 4-5 sao cùng nhiều bình luận thân thiện như “Tòa nhà đẹp”, “Chuyên nghiệp”, “Nơi tốt nhất để làm việc”… nhưng mọi thứ đã dần xoay chiều từ đầu năm nay.

Phía HoSE cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp để chống ách tắc tạm như nâng lô cổ phiếu lên 100 đơn vị, chuyển niêm yết một số cổ phiếu sang HNX. Sở cũng như đang phối hợp với FPT để thử nghiệm hệ thống mới vào tháng 7 và phối hợp với nhà thầu Hàn Quốc cho hệ thống KRX.

Những bức xúc của nhà đầu tư là có thể hiểu được khi hệ thống giao dịch tại HoSE liên tục gặp sự cố khi đón nhận một lượng tiền lớn từ các nhà đầu tư mới, thanh khoản liên tục phá các mức kỷ lục 14.000 tỷ đồng, rồi 21.000 tỷ đồng và đến nay quanh 30.000 tỷ đồng mỗi phiên.

“Giao dịch mù”

Một trong những giải pháp gần đây là khuyến khích các công ty chứng khoán top đầu áp dụng phương án tạm ngưng hủy/sửa lệnh. Giải pháp mới nhanh chóng cải thiện được thanh khoản lên trên 30.000 tỷ đồng/phiên nhưng cũng bộc lộ khuyết điểm.

Tuy nhiên, việc này cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một CTCK lớn thông báo dừng hủy/sửa lệnh thì một số CTCK thị phần nhỏ vẫn cho phép thực hiện, điều này gây ra việc bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Thậm chí một số cá nhân trên các diễn đàn chứng khoán còn dẫn Điều 17, Quy chế giao dịch của HoSE năm 2018 rằng: “Đại diện giao dịch được phép sửa lệnh giao dịch bằng cách hủy lệnh sai, nhập lại lệnh đúng, nhưng phải xuất trình bản sao lệnh gốc của khách hàng và được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chấp thuận” để nói về sự bất hợp lý.

HoSE bi bao danh gia 1 sao tren Google anh 2

Bình luận của một số cá nhân trên HoSE.

Hệ quả của việc ngưng hủy/sửa lệnh đang khiến bảng giá điện tử gặp nhiều sự cố về hiển thị, tình trạng đơ và nghẽn lệnh xuất hiện thường xuyên ở các công ty. Giờ đây nhà đầu tư phải làm quen với việc giá cổ phiếu nhảy loạn xa và việc đặt lệnh trên HoSE bây giờ “có độ trễ” vài phút.

Tình trạng “giao dịch mù” càng khiến cho nhà đầu tư hoảng loạn hơn, thậm chí thị trường còn ghi nhận nhiều trường hợp phải sử dụng lệnh MP (bán ra bằng mọi giá) làm điểm số giảm sâu hơn, từ đó gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Sự bức xúc của người chơi chứng khoán không đơn thuần là gây bão 1 sao trên Google mà còn đang trở thành chủ đề nóng nhất tại các diễn đàn chứng khoán như F319.com, các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Skype…

Trên diễn đàn F319.com không khó để tìm được các chủ đề liên quan đến việc đề nghị lãnh đạo HoSE từ chức hay những lo lắng về việc lệnh bán MP đang được đưa nhiều vào thị trường, hay đơn giản là khuyên chuyển giao dịch qua sàn HNX.

Vào đầu tháng 3, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng từng có công văn gửi Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất giải pháp nhằm khắc phục tình trạng đơ trên sàn HoSE.

Hiệp hội này cho rằng tình trạng nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung - cầu trong giao dịch, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi cũng như uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế. VAFI còn đề xuất thuê nhân sự giỏi nước ngoài, không nên bổ nhiệm lãnh đạo UBCKNN và Bộ Tài chính xuống HoSE, cũng như nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch này.

Thuế chứng khoán tăng mạnh, HoSE lãi lớn

Tổng cục Thuế mới đây cho biết số thuế thu nhập cá nhân 5 tháng đầu năm tăng mạnh, trong đó thu từ chứng khoán tăng 320% so với cùng kỳ, từ đầu tư vốn của cá nhân tăng 169% so với cùng kỳ, từ chuyển nhượng bất động sản tăng 183% so với cùng kỳ.

Nhà đầu tư cá nhân đã mở mới kỷ lục 480.000 tài khoản trong 5 tháng đầu năm và nâng tổng số lên 3,2 triệu tài khoản. Giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đạt 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 186% so với cùng kỳ năm trước.

HoSE là một trong những đơn vị hưởng lợi nhất từ sự tăng nóng của TTCK. Trước đây, Sở này thu từ các công ty chứng khoán thành viên 0,03% giá trị giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 0,02% đối ETF, chứng quyền có bảo đảm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3/2020, mức thu phí lần lượt còn 0,027% và 0,018% theo Thông tư của Bộ Tài chính để hỗ trợ nhà đầu tư vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Báo cáo năm 2020, HoSE ghi nhận doanh thu tăng 39% so với năm trước lên gần 993 tỷ đồng, được đóng góp chủ yếu từ hoạt động dịch vụ giao dịch chứng khoán với tỷ trọng đến 88% doanh thu. Lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục 691 tỷ đồng, tăng trưởng 46%.

Hiện nay HoSE có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, thuộc sở hữu 100% của Nhà nước. Doanh nghiệp có quỹ đầu tư phát triển có 564 tỷ đồng, toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp về ngân sách Nhà nước.

Xuất hiện lực cầu bắt đáy chứng khoán

Sau khi chịu áp lực bán lớn, lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp thị trường lấy lại sắc xanh trong sáng 9/6. Trước giờ nghỉ trưa, VN-Index tăng 1,05 điểm (0,08%) lên 1.320,93 điểm.

Rớt gần 40 điểm, thị trường chứng khoán đi về đâu?

Việc VN-Index đột ngột giảm gần 40 điểm trong phiên 8/6 khiến các chuyên gia đưa ra nhận định trái chiều về thị trường trong thời gian tới.

Thanh Thảo

Bạn có thể quan tâm