Sau thời gian dài im lặng, ca sĩ Hồng Phượng đăng video thông báo về động thái sắp tới liên quan việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tranh chấp tài sản thừa kế với Hồng Loan - con gái nghệ sĩ Vũ Linh.
Chị xác nhận đã cùng mẹ - nghệ sĩ Hồng Nhung dọn ra khỏi ngôi nhà ở đường Đoàn Thị Điểm (Phú Nhuận, TP.HCM) sau 2 năm sống chung và chăm sóc cố nghệ sĩ Vũ Linh.
Sau mùa dịch Covid-19, nghệ sĩ Vũ Linh đã mời mẹ con cháu gái Hồng Phượng về sống cùng mình cho bớt buồn, cô đơn.
Hồng Phượng nói giữ im lặng suốt 100 ngày mất của nghệ sĩ Vũ Linh để giữ trọn đạo nghĩa với cậu ruột, đến nay mới lên tiếng.
Thời gian qua, chị và gia đình chịu đựng việc bị tấn công mạng, đồn thổi ác ý, sai sự thật. Ca sĩ đã cầu cứu báo chí; nhờ luật sư lập vi bằng những tài khoản vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm.
Hồng Phượng gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền vì cho rằng bị vu khống, tấn công mạng. |
Hiện tại, luật sư đại diện của Hồng Phượng đã gửi đơn thư đến Công an TP.HCM, Thanh tra Sở TT&TT và Bộ TT&TT.
Ca sĩ Hồng Phượng xin lỗi vì chuyện nội bộ gia đình gây ảnh hưởng đến khán giả. Chị rất buồn khi nỗi đau mất cậu ruột chưa nguôi ngoai đã đối diện những lùm xùm.
"Sinh thời cậu rất mong tôi nối nghiệp gia đình, theo nghề cậu. Chuyện xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, tinh thần và sự nghiệp của tôi. Điều đó rất đáng buồn", chị nói.
Trước đó, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM thụ lý vụ kiện tranh chấp thừa kế đối với di sản của nghệ sĩ Vũ Linh, giữa nguyên đơn là nghệ sĩ Hồng Nhung (em gái Vũ Linh) và bị đơn là Hồng Loan.
Hồng Loan - con gái nghệ sĩ Vũ Linh xác nhận với VietNamNet 'mời' mẹ con Hồng Phượng ra khỏi ngôi nhà ở đường Đoàn Thị Điểm vì 'không tìm được tiếng nói chung'.
Chị nhấn mạnh nếu không hòa hợp thì tạm thời sống riêng, sau này có thể hóa giải mâu thuẫn chứ không đuổi ai.
Sau khi nghệ sĩ Vũ Linh qua đời, Hồng Loan và mẹ con ca sĩ Hồng Phượng xảy ra tranh chấp đối với tài sản thừa kế và các vấn đề khác như hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện, kế hoạch xây mộ, hợp đồng truyền thông đám tang.
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.