Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hong Kong tưởng nhớ Kim Dung - 'văn hào lớn nhất thời đại chúng ta'

Qua đời ở tuổi 94, Kim Dung đã để lại cả một kho tàng văn học đồ sộ cho độc giả, tầm ảnh hưởng của ông vượt xa khỏi biên giới địa lý, chính trị và hệ tư tưởng.

Độc giả và những người hâm mộ Hong Kong đã bày tỏ sự trân trọng và niềm tiếc thương với đại văn hào Tra Lương Dung, tức Kim Dung, sau khi tin tức ông qua đời ngày 30/10 vì bệnh nặng được loan ra.

Con rể của ông, Ng Wai-cheong, nói rằng các thành viên trong gia đình đã ở bên khi ông trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hong Kong. Sự ra đi của ông được tờ Minh Báo, tờ báo tiếng Trung do ông sáng lập, xác nhận.

South China Morning Post nói rằng Kim Dung là một nhà báo lỗi lạc, một người lãnh đạo có uy, và trên tất cả, ông là một tiểu thuyết gia dòng võ hiệp lừng danh, người đã để lại ảnh hưởng trong cộng đồng người nói tiếng Hoa và trên toàn châu Á.

Tác phẩm của ông lấy cảm hứng từ những bậc đại anh hùng thượng võ trong lịch sử Trung Hoa để tạo nên hàng loạt cái tên phổ biến mà không ai có niềm yêu thích với nền văn hóa Trung Hoa khó có thể tỏ tường.

Dong gop cua nha van Kim Dung anh 1
Kim Dung được đánh giá là một trong những tác gia vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ảnh: Reuters.

Năm 1955, ông cho ra mắt tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên của mình, Thư Kiếm Ân Cừu Lục trên tờ New Evening Post với bút danh Kim Dung. Tác phẩm lập tức gặt hái thành công vang dội. Ông tiếp tục cho ra đời 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp khác, với tác phẩm cuối cùng là Lộc Đỉnh Ký hoàn tất vào năm 1972. 

Các tác phẩm văn học của Kim Dung vươn xa khỏi biên giới địa lý, chính trị và hệ tư tưởng với hơn 100 triệu bản được bán trên toàn thế giới và vô số tác phẩm chuyển thể từ phim cho tới trò chơi điện tử. 

Niềm tiếc thương sâu sắc

Theo South China Morning Post, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam đã bày tỏ "niềm tiếc thương sâu sắc" trước sự ra đi của Kim Dung và gọi ông là "một bậc trí thức và một nhà văn nổi tiếng".

"Tôi rất buồn khi biết tin ông Tra Lương Dung đã qua đời. Thay mặt chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong, tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình ông", bà Carrie Lam nói.

"Ông ấy sáng lập tờ Minh Báo từ khi còn trẻ và cũng được biết đến với những bài xã luận mang tính xây dựng, trở thành nhà báo uy tín trong ngành", bà nói thêm.

Một trong những người đầu tiên bày tỏ niềm tiếc thương với đại văn hào Kim Dung là tỷ phú Jack Ma, người có tiếng hâm mộ dòng văn học võ hiệp và chủ tịch của hãng thương mại điện tử Alibaba.

"Đây là sự mất mát lớn đối với người Trung Quốc trên toàn thế giới và đặc biệt là với Alibaba vì các tác phẩm của ông đã trở thành một phần văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi", Jack Ma nói. Vị tỷ phú đề cập đến việc nhân viên trong công ty cũ của ông thường gọi nhau bằng tên những nhân vật trong tiểu thuyết của Kim Dung.

Dong gop cua nha van Kim Dung anh 2
Kim Dung và Jack Ma trong lần gặp gỡ đầu tiên năm 2000. Ảnh: South China Morning Post.

Jack Ma gặp Kim Dung tại Hàng Châu vào năm 2000 và họ trở thành bạn bè. "Tinh thần võ hiệp được Kim Dung truyền bá đã trở thành giá trị cốt lõi của Alibaba. Tôi rất ngưỡng mộ ông và ông đã trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc với tôi. Tôi sẽ luôn nhớ về Kim Dung", Jack Ma nói thêm. 

Theo South China Morning Post, cựu lãnh đạo sở Tài chính Hong Kong Tăng Tuấn Hoa, người hâm mộ các tác phẩm Kim Dung, cũng bày tỏ sự bất ngờ trước tin ông qua đời.

"Thật quá đau buồn. Tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình nhà văn Tra Lương Dung. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với nền nghệ thuật Hong Kong, Trung Quốc và thế giới. Có lẽ Kim Dung là tác giả vĩ đại trong thời đại của chúng ta", ông nói.

Ông Tăng cho biết ông đã gặp mặt nhà văn Kim Dung nhiều lần trước đây và hiện vẫn giữ một cuốn sổ lưu niệm các tác phẩm của Kim Dung được xuất bản trên các tờ báo vào đầu những năm 1960.

"Ông Tra Lương Dung sẽ mãi được nhớ tới như một bậc thầy của tiểu thuyết võ hiệp, một cây đại thụ giống như đại văn hào William Shakespeare", nhà văn, nhà phê bình văn hóa Oliver Chou nói.

"Không một tác giả Trung Quốc nào lại được tất cả người dân yêu quý, bất kể sắc tộc hay quan điểm chính trị, như Kim Dung. Đặng Tiểu Bình cũng được cho rằng từng nhờ người đi mua tiểu thuyết Kim Dung ở Hong Kong vào những năm 1980", ông nói thêm.

Danh tiếng của Kim Dung khi đó lớn đến mức Đặng Tiểu Bình đã hẹn gặp riêng để nói rằng :"Tôi đã đọc những tác phẩm của ông nên chúng ta đã là cố nhân".

Trịnh Thiếu Thu, một diễn viên nổi tiếng từng đóng rất nhiều vai chính trong các bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung, nói: "Các bạn có thể gọi đó là những bộ tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử nhưng với tôi chúng còn vĩ đại hơn thế rất nhiều. Một khi bạn đắm chìm vào tình tiết của những câu chuyện, bạn sẽ tin rằng những cuộc đời đó đã thực sự diễn ra trong lịch sử".

Dấu ấn trên nhiều lĩnh vực

Sinh ra ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Kim Dung tốt nghiệp trường đại học Luật Tô Châu năm 1948. Để có thêm thu nhập phục vụ học tập, ông bắt đầu đi làm từ năm 1947 từ vị trí một phóng viên, biên dịch viên cho tờ Đại Công Báo tại Thượng Hải. Ông chuyển đến Hong Kong năm 1948 để làm việc chính thức cho tờ báo này.

Dong gop cua nha van Kim Dung anh 3
Kim Dung tại đại học Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post.

Năm 1955, sau khi rời Đại Công Báo, ông chuyển sang viết tiểu thuyết có yếu tố văn hóa tam giáo đồng nguyên Trung Hoa, đó là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Những bộ tiểu thuyết võ hiệp của ông được dịch sang tiếng Anh lần đầu tiên năm 1994.

Trong một bài phỏng vấn, Kim Dung đã thừa nhận rằng độc giả phương Tây sẽ khó có thể cảm được tác phẩm của mình. Ông chia sẻ: "Độc giả khi đọc tác phẩm của tôi cần phải hiểu được cách tư duy của người Trung Quốc".

Ông gọi những tác phẩm của mình là những bộ tiểu thuyết Trung Hoa truyền thống hàm chứa nhiều bài học đạo đức và giá trị triết học nhân văn sâu sắc.

"Võ thuật đối với tôi chỉ là công cụ, là phần tô vẽ thêm cho sinh động. Tôi sử dụng võ thuật để diễn giải những ý đồ nghệ thuật của mình", đại văn hào nói. Ông cũng được biết đến là người ủng hộ tinh thần tự do, chống lại tư tưởng phong kiến cổ hủ.

Năm 1957, thành công của những tác phẩm đầu tiên đã khích lệ ông thành lập một tờ báo nhỏ cùng với 3 nhân viên. Từ đó tờ Minh Báo ra đời và hiện trở thành một trong những tờ báo tiếng Trung hàng đầu. Tại thời điểm đó, các tác phẩm của ông đăng trên Minh Báo đã thu hút rất nhiều độc giả.

Dong gop cua nha van Kim Dung anh 4
Kim Dung là người sáng lập tờ Minh Báo. Ảnh: South China Morning Post.

Ông Chou nhận xét: "Khi lập ra Minh Báo, Kim Dung trở thành cây viết nổi danh với những bài viết được mọi độc giả Trung Quốc trên toàn thế giới đón đọc, đặc biệt là tầng lớp trí thức".

Sau khi Hong Kong được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Kim Dung được bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban Soạn thảo Luật Cơ bản với nhiệm vụ xây dựng hệ thống luật cho Hong Kong.

Các nhà quan sát vào thời điểm đó cho rằng ông được chọn vì khả năng cân bằng những quan điểm xung đột của mình. Lee Chu Ming, thành viên hội đồng lập pháp Hong Kong và là người theo tư tưởng tự do, hồi tưởng lại Kim Dung là người luôn biết lắng nghe những quan điểm trái chiều.

Với những đóng góp cho xã hội, Kim Dung đã được trao tước hiệu OBE danh dự từ Hoàng gia Anh. Năm 2000, ông được trao huân chương Grand Bauhinia, huân chương cao quý nhất của Hong Kong dành cho những cá nhân có đóng góp xuất chúng.

Tác gia võ hiệp huyền thoại Kim Dung qua đời ở tuổi 94

Kim Dung, tiểu thuyết gia nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm võ hiệp kinh điển như "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long",... vừa qua đời ở tuổi 94.


Hương Ly (theo SCMP)

Bạn có thể quan tâm