Các nhà hoạt động bảo tồn phê phán dự án xây cầu vượt biển dài nhất thế giới của Trung Quốc đã khiến số lượng cá heo trắng quý hiếm, sống ở vùng biển quanh Hong Kong, sụt giảm nghiêm trọng.
Thông tin này xuất hiện cùng các báo cáo cho thấy việc xây dựng công trình 55 km đi kèm cái giá đắt là mạng sống của 20 công nhân và làm hơn 500 người bị thương. Công trình này được một số báo đài Hong Kong gọi là “cây cầu tử thần”.
Với chi phí 20 tỷ USD, sau gần một thập niên xây dựng, cầu nối Hong Kong - Chu Hải - Macau chính thức thông xe hôm 24/10. Một ngày trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự lễ khánh thành công trình.
Một con cá heo nhảy lên khỏi mặt nước gần khu vực cầu vượt biển dài nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Taison Chang Ka-tai, Chủ tịch Hội Bảo tồn Cá heo Hong Kong, nói với ABC rằng số lượng cá heo ở vùng biển Hong Kong đã giảm hơn 40%, từ trung bình 80 cá thể được bắt gặp vào năm 2012 xuống còn 47 sau 5 năm.
Ông Chang giải thích tác động của dự án đối với quần thể cá heo được phản ánh rõ ràng trong sự phân bố của loài vật này tại khu vực.
“Xuyên suốt quá trình xây dựng cầu, chúng ta có thể thấy gần như toàn bộ cá heo ở phía bắc đảo Lantau biến mất. Đây là khu vực gần công trình nhất”, ông nói. “Do đó, ta có thể nhận ra mối liên hệ rất rõ giữa dự án này và sự phân bố trong quần thể cá heo”.
Cá heo chúc mừng cây cầu khánh thành?
Đài CCTV khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu của giới chức là bảo vệ cá heo trắng, loài vật còn có biệt danh là “gấu trúc đại dương của Trung Quốc”. Theo thông cáo trên trang web của cơ quan phụ trách dự án cầu Hong Kong - Chu Hải - Macau, 68 triệu USD đã được phân bổ vào công tác bảo tồn cá heo.
Ông Chang cho biết Cục Bảo vệ Môi trường Hong Kong cũng áp dụng một số biện pháp giảm thiểu tác động, ví dụ như tạm ngừng thi công 30 phút trong trường hợp phát hiện cá heo ở gần.
Tuy nhiên, những giải pháp này đều không hiệu quả, và bằng chứng là số lượng cá heo vẫn sụt giảm.
Cá heo trắng quý hiếm được bắt gặp ở ngoài khơi đảo Lantau, Hong Kong. Ảnh: Reuters. |
“Sau khi thấy các phương pháp này không có tác dụng, họ cũng chẳng làm bất cứ điều gì để giúp quần thể phát triển trở lại hoặc ngừng thi công một thời gian để xem liệu có thể cải thiện tình trạng môi trường biển hay không”, ông nói.
“Tôi có thể tưởng tượng tình hình ở vùng biển quanh Trung Quốc đại lục thậm chí còn tệ hơn Hong Kong”, ông Chang nói thêm.
Trong lúc đó, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã bình luận trên Weibo rằng cá heo được nhìn thấy “nhảy múa quanh cây cầu” trong lễ khánh thành như thể “chúc mừng ngày sinh” của công trình.
Ông Chang gọi những bình luận này là “lố bịch” vì việc cá heo ngoi lên mặt nước để lấy không khí là chuyện tự nhiên.
“Không nước nào khác đủ khả năng xây dựng”
Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Hong Kong (RTHK), Chan Kam-hong, giám đốc điều hành Hiệp hội vì Quyền của Nạn nhân Tai nạn Công nghiệp Hong Kong, tiết lộ dự án cầu vượt biển cũng dẫn đến số lượng thương vong “rất nghiêm trọng” về người.
“Những gì chúng ta biết đến nay là 11 công nhân thiệt mạng ở phía thi công của Hong Kong, và số liệu bên phía đại lục là 9 người”, ông nói.
“Việc tổng hợp số liệu chính xác là rất khó vì chính phủ không cho chúng tôi phương tiện để tiếp cận thông tin. Đây là dự án khổng lồ, nhưng quan điểm của chúng tôi là quy mô lớn và đầy thách thức không phải lý do chính đáng để gây ra tỷ lệ thương vong cao”, ABC dẫn lời ông Chan.
Chính quyền Hong Kong từng thừa nhận có ít nhất 11 người thiệt mạng ở phía họ. Hiện không rõ con số này về phía Trung Quốc đại lục.
Một phần phía Hong Kong của cây cầu vượt biển dài nhất thế giới. Ảnh: AP. |
Bất chấp tình trạng công nhân thiệt mạng, truyền thông nhà nước Trung Quốc và các bài đăng trên mạng xã hội chủ yếu vẫn mang tới cái nhìn tích cực về cây cầu nối 3 thành phố.
“Không quốc gia nào khác trên thế giới đủ khả năng xây cây cầu này”, một người bình luận trên Weibo.
Lúc 9h sáng 24/10, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới đã chính thức được đưa vào sử dụng sau nhiều lần trì hoãn và vượt quá kinh phí dự kiến.
Việc thi công từng bị đình chỉ sau khi ông Chu Yee Wah, 66 tuổi, đệ đơn lên Tòa án Tối cao Hong Kong yêu cầu xem xét lại báo cáo đánh giá về tác động môi trường của dự án vào tháng 4/2011. Vụ việc khiến tiến độ xây dựng công trình bị chậm 18 tháng, kế hoạch thi công ban đầu được dự tính hoàn tất vào năm 2016.