Hong Kong từ cổ điển đến hiện đại qua gần nửa thế kỷ
Chủ nhật, 18/12/2016 06:13 (GMT+7)
06:13 18/12/2016
Nhiếp ảnh gia MacGregor đã ghi lại diện mạo đổi khác của Hong Kong trong 47 năm qua. Ông vừa ngạc nhiên vừa tiếc nuối vì sự thay đổi nhanh chóng của thành phố cảng sôi động này.
Nhiếp ảnh gia người Anh Keith Macgregor, 70 tuổi, vừa quay lại Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng trước để giới thiệu ấn phẩm giới hạn một số bức ảnh đẹp nhất của ông về vùng đất này. Nhà nhiếp ảnh đã dành gần 50 năm ghi lại vẻ đẹp của thành phố cảng nổi tiếng. Trong ảnh là phố Ladder, con phố gồm toàn các bậc đá, ở Sheung Wan, năm 1973.
Những hòm thư ở Lau Fau Shan, Tân Giới, năm 1972. Làng chài Lau Fau Shan nằm ở rìa phía tây bắc của Hong Kong hiện là một địa điểm du lịch với các nhà hàng hải sản và món hàu ngon nổi tiếng.
Núi và cảng biển ở Hong Kong nhìn từ trên cao. Từng sinh sống và làm việc nhiều năm tại Hong Kong, trong mỗi lần trở lại, Macgregor
lại có đôi chút tiếc nuối. Ông nhận thấy cảng biển đang bị thu hẹp dần bởi sự xâm lấn của hàng trăm tòa nhà thương mại "xấu xí".
Phố Tai Yuen, Wan Chai, năm 1975. Con phố này hiện còn được biết đến với cái tên "Phố Đồ chơi", nơi tập hợp những loại đồ chơi cổ điển trên khắp thế giới, thỏa mãn niềm đam mê sưu tập đồ chơi cổ của người dân địa phương và du khách.
Khách sạn Peninsula và YMCA ở Tsim Sha Tsui chụp từ trực thăng, năm 1976. Tsim Sha Tsui, nằm ở phần mũi của bán đảo Cửu Long, nhìn ra cảng Victoria, đối diện với Đảo Hong Kong, là một trung tâm du lịch lớn với rất nhiều cửa hiệu và nhà hàng phục vụ khách du lịch. Đây là nơi có mật độ khách sạn dày đặc nhất tại Hong Kong, trong đó có nhiều khách sạn nổi tiếng như Peninsula, Kowloon, InterContinental Hong Kong, Sheraton,...
Quang cảnh phố Elgin, thuộc khu SoHo, quận Trung tâm, năm 1978. Khu vực này hiện bao gồm các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ đêm, phòng trưng bày nghệ thuật và các cửa hàng đồ cổ.
Một cụ bà đi qua một con ngõ ở Cheung Chau, Đảo Hong Kong, năm 1978. Cheung Chau là một đảo nhỏ, thưa dân, nằm ở phía tây nam Đảo Hong Kong. Từ một làng chài truyền thống, nơi đây giờ đã trở thành một địa điểm thu hút du khách với bãi biển, nhà hàng và các địa điểm du lịch văn hóa.
Phố Aberdeen, đường Hollywood, năm 1979. Con phố này phân chia khu Sheung Wan và quận Trung tâm của Đảo Hong Kong.
Một chiếc xe buýt trắng trên phố Thượng Hải, Cửu Long, năm 1982. Phố Thượng Hải là một trong những con đường dài nhất ở Cửu Long với lịch sử phát triển hơn 100 năm. Nơi đây hiện vẫn còn những cửa hàng nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Họ kinh doanh những mặt hàng truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt của người dân Hong Kong trước đây.
Phố Thượng Hải ở Cửu Long, năm 1984. Mỗi năm, MacGregor lại trở về Hong Kong vài tuần để chụp ảnh thành phố, thường là vào khoảng tháng 6, tháng 7. Ông đến với nhiếp ảnh một cách tình cờ nhưng công việc này lại nhanh chóng trở thành sự nghiệp của ông. Các tác phẩm của MacGregor được in dưới dạng bưu thiếp, lịch để bàn, sách ảnh và được bán trên khắp thế giới. Ảnh: SCMP.
Sân đấu cricket gần Tòa án Tối cao, quận Trung tâm, năm 1984. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của Hong Kong, bưu thiếp, lịch và ảnh để bàn của MacGregor cũng không còn bán chạy như trước. "Mọi người giờ thà chụp ảnh selfie để làm kỷ niệm, cho dù là vào những ngày đầy mây và sương mù, còn hơn là mua một tấm bưu thiếp láng bóng của Hong Kong trong ngày nắng đẹp", ông nói.
Vịnh Tai Long Wan nhìn từ trên cao. Ảnh chụp năm 1986. Nằm trên bờ phía đông của bán đảo Sai Kung, vịnh Tai Long Wan tập trung một số bãi biển được coi là những địa điểm du lịch đẹp nhất ở Hong Kong.
Cảnh hoàng hôn ở quận Trung tâm, năm 1990. MacGregor đặc biệt thích chụp ảnh vào ban đêm dù rất khó có hình ảnh đẹp vào thời điểm này trong ngày. Hiện tại, ông sử dụng máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, trước đây, ông luôn dùng máy ảnh Hasselblad, loại máy sử dụng film và cho ra những tấm ảnh ở dạng hình vuông.
Một máy bay của hãng hàng không Cathay cất cánh từ sân bay Kai Tak, Đảo Hong Kong, năm 1994. Kai Tak từng là sân bay quốc tế của Hong Kong từ năm 1925 đến năm 1998, sau đó được thay thế bằng Sân bay Quốc tế Hong Kong. Nằm giữa khu dân cư đông đúc với những tòa nhà cao tầng san sát ở khu Cửu Long, sân bay Kai Tak, với đường băng nhô ra biển, từng là một thử thách khó đối với phi công trong mỗi lần hạ cánh.
Cầu Tsing Yi nhìn về phía Đảo Hong Kong, năm 2015. Cây cầu dài 610 m và cao 26 m này đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của đảo Tsing Yi, đặc biệt trong những năm 1970, 1980.
Sự kiện lô hàng 9 xe bọc thép chuyển từ Đài Loan về Singapore và bị hải quan Hong Kong giữ lại có thể kéo đến rắc rối ngoại giao giữa Singapore và Trung Quốc.