Lỡ tay muối mặn con ơi
trách gì cái vụng của người làm cha
gà cồ quanh quẩn phận gà
xòe đôi cánh cũ đem ra che trời
***
Mẹ đem vào cõi xa vời
những câu dạy bảo những lời khuyên răn
bây giờ nét ở đường ăn
cha nông nổi, lại cỗi cằn thương yêu
***
Những người bạn tốt cũng nhiều
những lời bạn tốt bao nhiêu thì vừa
ngẩng lên trời đã quá trưa
sau lưng sầm sập cơn mưa sẫm chiều
***
Cha giờ đứng mũi trớ trêu
thời gian để lại rất nhiều chỗ đau
đường dài biết đậu vào đâu
còn ai đổ lửa vào dầu nữa không?
***
Thế gian có vợ có chồng
mà cha gánh nước bên sông một bờ
lựa chiều bong bóng mà mưa
sông sâu mà bước, thiếu thừa mà đong
***
Chim chiều đã sợ cành cong
rủi may, phúc họa, long đong phận người
cha dù khóc giữa cuộc đời
hong khô nước mắt, để cười với con.
Lời bình
Có vị mặn như là nước mắt thấm vào lòng ta khi đọc những dòng thơ của Hoàng Đình Quang. Tứ thơ gợi từ thân phận “gà trống nuôi con”, càng đọc, càng nghĩ, lại càng xót xa. Đời cha “nông nổi”, “cỗi cằn”, “vụng về”, rồi biết sẽ khuyên bảo, dạy dỗ, yêu thương con như thế nào đây? Bởi thế, cùng với nỗi xót xa là muôn vàn âu lo.
Ta bỗng thấy thương một dáng gầy gộc vụng về bên dòng đời vò võ, bỗng chạnh lòng trước chia ly đành đoạn, bỗng giật mình ngước lên nắng sớm mưa chiều, bỗng đắn đo nẻo người nông sâu may rủi... Lời thơ như phận người, mặn đắng những long đong, dang dở. Cha chỉ còn con, và điều đó có thể làm nụ cười nở trên môi cha như niềm hạnh phúc sau cùng.
Dẫu xót xa và âu lo, nhưng nụ cười ở cuối bài thơ làm trái tim chúng ta ấm lại. Bài thơ đã đi qua rồi, mà ý nghĩ chạnh thương những phận người, những cảnh đời dang dở, như một thanh âm còn vọng mãi trong ta.