Thương hiệu số một
Dao Heuang Group là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Lào với một chuỗi hoạt động kinh doanh khác nhau, như trồng và chế biến cà phê; kinh doanh cửa hàng miễn thuế; buôn bán hàng tiêu dùng; kinh doanh chợ… Trong số đó, kinh doanh cà phê đang là lĩnh vực nòng cốt của tập đoàn.
Hiện Dao Heuang Group đã có vườn cà phê tại huyện Pakxong (tỉnh Champasak) với diện tích 280 ha, năng suất thu hoạch hơn 560 tấn/năm, với giá trị khoảng 10 tỷ LAK (tương đương 26 tỷ VND). Dao Heuang có nhà máy sản xuất chế biến cà phê hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất 8.000 tấn sản phẩm/năm.
Bà Leuang Litdang, Chủ tịch Dao Heuang Group. |
Thương hiệu “Dao” café của Dao Heuang Group hiện đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác nhau, như Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… Riêng tại Việt Nam, từ đầu năm 2014, Dao Heuang Group đã chọn Công ty Blue Star (Việt Nam) là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm cà phê hòa tan của Tập đoàn.
Để đến được bến bờ vinh quang của ngày hôm nay, sự nghiệp kinh doanh của bà Leuang Litdang đã trải qua nhiều khúc quanh.
Thời kỳ đầu mở cơ sở kinh doanh những năm 90 của thế kỷ trước, Dao Heuang chỉ là một công ty thương mại, chủ yếu nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Thái Lan về tiêu thụ trong nước. Bước ngoặt lớn trong con đường lớn mạnh của Dao Heuang bắt đầu từ một sự quyết đoán. Với bà Leuang, kinh doanh không chỉ là để kiếm thật nhiều tiền, mà bà luôn đau đáu một nỗi niềm là những việc mình đang làm mang lại lợi ích gì cho đất nước mà mình đang sinh sống và cuối cùng bà đi đến quyết định chuyển hướng kinh doanh.
Với thực trạng chung của các quốc gia thâm hụt ngoại tệ, các công ty xuất nhập khẩu bao giờ cũng có một vị thế rất đáng kể, vì thế, thay vì chỉ đóng vai trò là nhà buôn, bà Leuang Litdang đã biến Dao Heuang thành một công ty xuất khẩu. Với nhãn quan chiến lược, bà Leuang cho rằng, cà phê là mặt hàng rất có tiềm năng. Hơn thế, tại thời điểm đó, Lào chưa có một doanh nghiệp cà phê lớn nào, trong khi thổ nhưỡng, khí hậu vùng Nam Lào rất phù hợp để phát triển cây cà phê. Vậy là, bà tung quân thu mua cà phê để xuất khẩu.
Nhà máy Cà phê “Dao” Coffee Factory tại tỉnh Champasak. |
Không chỉ dừng ở đó, việc thu mua chỉ là khúc dạo đầu cần thiết, sau một thời gian, Dao Heuang bắt tay vào việc tự chủ nguồn cà phê và nông trường cà phê của Dao Heuang Group từ đó ra đời. Những ngày khởi sự cho việc tự chủ nguồn cà phê xuất khẩu, chính là những ngày khó khăn thực sự với Dao Heuang Group.
Bà Leuang Litdang nhớ lại: “Hồi năm 2000, lần đầu trồng cà phê bị sương muối, hơn trăm héc-ta cà phê chết khô, thiệt hại rất lớn. Có lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng bản tính kiên nhẫn, cần cù của một người phụ nữ gốc Việt đã khiến tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng những hoài bão còn đang dang dở”.
Tuy là người Lào, nhưng nguồn gốc Việt Nam với những hiểu biết về quê hương xứ sở, những mối quan hệ còn duy trì ở Việt Nam đã trở thành nguồn tài sản vô cùng quý giá với bà Leuang. Quê hương Việt Nam của bà Leuang vốn là một cường quốc về cà phê và đương nhiên, đây là nguồn nhân lực vô cùng quý giá trong lĩnh vực cà phê và bà Leuang đã biết tận dụng tối đa thế mạnh này.
Từ Gia Lai, Đắk Lắk…, những kỹ sư giỏi người Việt và cả những công nhân lành nghề nhất đã được mời sang Lào để chuyển giao công nghệ nuôi và trồng cà phê. Thật may, sự tương đồng về thổ nhưỡng vùng Champasak với vùng Tây Nguyên của Việt Nam đã trở thành những thuận lợi, giúp bà Leuang thành công.
Sự nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cà phê đã phát đi những tín hiệu lạc quan, Dao Heuang Group tiến thêm một bước nữa khi xây dựng nhà máy chế biến cà phê mang tên “Dao” Coffee Factory với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, tổng công suất 8.000 tấn/năm. Đây là nhà máy cà phê lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm đi vào hoạt động cuối năm 2012.
Văn hóa Việt là bí quyết thành công
Xuất thân từ một gia đình lao động, chưa từng học qua các trường lớp chuyên về kinh doanh, nhưng bà Leuang Litdang có một điều may mắn là được ba, mẹ tạo điều kiện cho đọc rất nhiều sách từ khi còn nhỏ.
Bà Leuang kể, hồi nhỏ, ba, mẹ đã rèn cho bà thói quen đọc sách, đọc rất nhiều, đủ các thể loại và toàn sách Việt Nam. Vì thế, sách Việt như một người bạn gắn bó với bà trong suốt chặng đường tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành và đến tận ngày nay. “Đọc sách với tôi đã trở thành thói quen. Ngay cả khi bận bịu với nhịp sống kinh doanh, nhưng mỗi khi đi đâu thấy có sách, là tôi lại tranh thủ đọc”, bà Leuang bộc bạch.
Ở cái tuổi 65 và cũng suýt soát ngần ấy năm gắn cuộc đời mình với những cuốn sách Việt, kho kiến thức và những giá trị nhân văn tích tụ trong hàng ngàn cuốn sách như đã ngấm vào máu từ lúc nào và nó chính là tài sản lớn mà Chủ tịch Tập đoàn Dao Heuang đang có.
Bà Leuang có một niềm tin mãnh liệt đối với người Việt Nam. Do đó, mặc dù nhà máy, nông trường và các cơ sở kinh doanh chủ yếu nằm ở tỉnh Champasak cách xa biên giới Việt Nam, nhưng tuyệt đại bộ phận cán bộ và công nhân của Dao Heuang Group đều được tuyển dụng từ Việt Nam.
Bà Leuang bộc bạch: “Tôi có một niềm tin với người Việt”. Hiện nay, 80% trong số khoảng 1.000 cán bộ, công nhân của Dao Heuang là lao động Việt. “Tôi rất thích công nhân người Việt Nam, họ thông minh và chăm chỉ, nên nhiều việc khó, thậm chí là rất khó, nhưng những người công nhân Việt vẫn làm được, thậm chí làm rất tốt là đằng khác”, Chủ tịch Tập đoàn Dao Heuang tâm sự.
Cha mẹ bà Leuang là người gốc Huế, do cuộc sống khó khăn nên sang Lào tìm kế sinh nhai. Họ gặp nhau và sinh ra bà Leuang cùng 8 người em khác. Tuy lưu lạc đất khách quê người, cuộc sống mưu sinh vất vả, nhưng cái chất sâu lắng ôn hòa mang đậm chất cố đô vẫn lưu giữ và truyền qua nhiều thế hệ. Bà Leuang dù sinh ra và lớn lên nơi đất Lào, trải qua gần 2/3 thế kỷ sinh sống ở vùng đất Nam Lào hoàn toàn khác biệt về văn hóa, nhưng khi tiếp xúc với bà, nét hiền hòa đằm thắm của một phụ nữ Huế vẫn không thể trộn lẫn. Trong guồng máy hối hả của xã hội hiện đại và nhịp kinh doanh hối hả, trong cả phong thái bên ngoài và chiều sâu nội tâm, bà Leuang vẫn mang dáng dấp của một phụ nữ Việt.
Sự hiền hậu và đằm thắm đó đã chi phối cả lối tư duy về kinh doanh của bà Leuang, bởi lẽ, khác với rất nhiều doanh nhân hiện đại khác, làm kinh doanh, nhưng bà Leuang không coi đồng tiền là số một. Chẳng hạn, việc bà đầu tư xây dựng chợ ở Pakse (tỉnh Champasak). Tuy nói là kinh doanh chợ, nhưng bà Leuang cũng không xác định kiếm lợi nhuận ở chợ Pakse. Bà kể, bà xây dựng chợ Dao Heuang ở Pakse chủ yếu là muốn bà con Việt kiều và người dân Pakse có chỗ buôn bán, làm ăn, chứ thực ra doanh thu ở chợ chẳng đáng bao nhiêu so với chi phí đầu tư. “Thế nhưng, mỗi khi đến chợ và thấy bà con buôn bán sôi động, tôi vui vì thấy mình đã làm được điều gì có ích cho cộng đồng”, bà Leuang cười hiền hậu.