Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn nửa lượng hàng bán ra tại Việt Nam là khuyến mại

Theo Nielsen, hành vi tiêu dùng của người Việt chịu ảnh hưởng bởi giá cả cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hàng hóa khuyến mại chiếm 56% tỷ trọng ngành bán lẻ.

Nghiên cứu gần đây của Nielsen cho thấy Việt Nam là thị trường rất nhạy cảm về giá. Hơn 80% người tiêu dùng chú trọng sự thay đổi giá cả khi mua sắm.

Năm 2019, độ co giãn về giá (price elasticity) tại Việt Nam là 2, tức người tiêu dùng tăng 2% lượng mua sắm khi giá cả giảm 1%. Đây là mức co giãn cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, khi chỉ số này tại các thị trường lân cận như Malaysia, Singapore, Thái Lan lần lượt là 1,9; 1,7 và 1,6.

Vậy nên, chiến lược thay đổi về giá và khuyến mại của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Theo hãng nghiên cứu này, chưa cần đến đại dịch Covid-19, 56% lượng hàng bán ra tại Việt Nam đã đến từ các chương trình khuyến mại.

Tuy nhiên, với mỗi USD khuyến mại, các nhà sản xuất chỉ thu thêm 0,29 USD doanh thu. Mức tăng này được Nielsen đánh giá là thấp so với trung bình 0,5 USD trên toàn cầu.

Hon nua luong hang ban ra tai Viet Nam la hang khuyen mai anh 1

Việt Nam được đánh giá là thị trường nhạy cảm về giá nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Do đó, trước khi thay đổi chiến lược giá và khuyến mại, doanh nghiệp cần có bức tranh tổng quát về thị trường và nghiên cứu chi tiết độ co giãn về giá của từng ngành hàng ở từng kênh bán hàng.

“Trong bối cảnh ngày càng nhiều người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh như hiện nay, doanh nghiệp cần có chiến lược giá và khuyến mại hợp lý. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lãng phí quá nhiều nguồn lực cho khuyến mại. Thời điểm này là cơ hội để doanh nghiệp tiết kiệm tài chính. Đây là chiến lược hiệu quả trong dài hạn", ông Richard Thomas, Giám đốc bộ phận Giải pháp kinh doanh hiệu quả của Nielsen Việt Nam, khẳng định.

Bên cạnh yếu tố giá, Nielsen cho rằng kênh phân phối và danh mục sản phẩm cũng là các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và tối đa hóa doanh số cho nhà sản xuất và bán lẻ.

Dịch Covid-19 đã tạo nên chuyển biến trong kênh bán hàng hiện đại và thương mại điện tử. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế với 85% thị phần. Theo ông Richard Thomas, doanh nghiệp cần xác định các điểm bán trọng yếu để tái cấu trúc đầu tư nhằm tối đa hóa doanh số.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Long - Quản lý bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ của Nielsen Việt Nam, khuyến nghị doanh nghiệp không cần thiết tung ra quá nhiều sản phẩm. Ông đánh giá các đơn vị thường có tâm lý tạo ra nhiều mã sản phẩm (SKUs) để xuất hiện nhiều hơn trong mắt người tiêu dùng và gia tăng độ phủ. Tuy nhiên, nghiên cứu của Nielsen cho thấy chỉ 2% trường hợp doanh nghiệp có nhiều SKUs hơn chiếm được nhiều thị phần hơn.

Năm 2019, thị trường Việt Nam đón nhận 6.455 sản phẩm mới, nhưng rất nhiều trong số đó không đủ tiêu chuẩn xuất hiện trên quầy kệ. Đối với một số ngành hàng, 3% SKUs đóng góp 80% doanh số, còn 80% SKUs đóng góp 2% doanh số.

Bởi vậy, doanh nghiệp cần tối ưu hóa danh mục sản phẩm trong thị trường ngách, đồng thời có thể đổi mới sản phẩm, giới thiệu các kích cỡ đóng gói mới với nhiều mức giá khác nhau, phù hợp đa dạng nhu cầu và có chiến lược phân bổ nguồn hàng hợp lý.


Lan Anh

Bạn có thể quan tâm