Đây là số liệu Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thống kê sơ bộ từ 14 ngân hàng hội viên tính trong khoảng 2 tháng gần đây.
Với hơn 50% dư nợ cho vay thực tế giai đoạn này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, VNBA cho biết tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tới các nhà băng là rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho biết các ngân hàng mới đây đã được yêu cầu giảm lãi suất cho vay, giảm phí… Tuy nhiên, nếu các nhà băng không cơ cấu nợ kịp thời thì các khoản nợ có thể chuyển thành nợ xấu, dẫn tới việc giảm lãi, phí không có tác dụng, ngân hàng không thu được nợ gốc...
Tổng hợp ý kiến từ các ngân hàng, VNBA cho biết còn nhiều nội dung thuộc Thông tư 03 trong quá trình triển khai đã phát sinh bất cập, như cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ sau ngày 10/6/2020.
Cụ thể, với việc trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03, quy định có tính đến số lần cơ cấu nợ theo Thông tư 01 sẽ làm tăng chi phí trích lập cao hơn rất nhiều so với quy định ban đầu. Nguyên nhân vì nhiều khách hàng phải cơ cấu nợ nhiều lần theo Thông tư 01 sẽ bị chuyển thành nợ nhóm 5 (với tỷ lệ trích lập 100%).
Tương tự, Thông tư 01 và Thông tư 03 chỉ quy định cơ cấu lại nợ đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính, không bao gồm dư nợ phát sinh từ thẻ tín dụng, bảo lãnh, L/C, bao thanh toán… Tuy nhiên, dịch Covid-19 lại tác động tới toàn bộ nhóm khách hàng, không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Vì vậy, VNBA đề xuất cho phép cơ cấu lại với cả số dư nợ thẻ tín dụng và các khoản nợ giải ngân sau ngày 10/6/2020.
Hơn một nửa dư nợ cho vay trong 2 tháng gần nhất đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Nam Khánh. |
Về quy định trích lập dự phòng rủi ro, VNBA đề xuất kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể là 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm áp lực tài chính cho các ngân hàng. Từ đó, giúp các nhà băng có thêm nguồn lực kinh doanh và triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.
Về khoản nợ được miễn, giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong trường hợp khách đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, cơ quan này đề xuất NHNN cho phép tổ chức tín dụng không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02…
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về thực hiện Thông tư 03 mới đây, đại diện BIDV cho rằng thông tư này quy định thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2021, tuy nhiên, hiện dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa biết ngày kết thúc. Vì vậy, cần sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch.
Cũng theo BIDV, việc giới hạn thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng cũng gây khó khăn trong việc trả nợ của khách hàng và không còn phù hợp với diễn biến dịch bệnh kéo dài hiện nay. Vì vậy, BIDV đề xuất kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Một bất cập khác được các nhà băng ghi nhận là việc khách hàng phải có đơn đề nghị cơ cấu lại nợ và sau đó tổ chức tín dụng thẩm định, phê duyệt, rồi mới được phép cơ cấu nợ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh tình huống khách hàng đang trong vùng giãn cách xã hội hoặc ở trong khu cách ly và không thể làm đơn đề nghị cơ cấu nợ, không thể nộp tiền thanh toán nợ… Ngoài ra, khách hàng ở vùng giãn cách cũng không thể di chuyển đến quầy ngân hàng làm thủ tục do không chứng minh được là nhu cầu thiết yếu.
Vì vậy, đại diện các ngân hàng đề xuất việc việc hoãn trả nợ được thực hiện tự động bởi ngân hàng và thông báo qua tin nhắn, email… cho khách hàng, cho phép tạm hoãn trả nợ trong thời gian phong tỏa và dời thời hạn trả nợ.