Đây là một trong những thay đổi ghi nhận trong Thông tư 11/2021 có hiệu lực từ 1/10 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành để thay thế Thông tư 02/2013, quy định về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, thay đổi lớn nhất trong thông tư mới của NHNN nằm ở điều 8 quy định về thời điểm, trình tự phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.
Theo đó, Thông tư 11/2021 quy định ít nhất mỗi tháng một lần, trong vòng 7 ngày đầu tiên của tháng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải căn cứ quy định của thông tư để tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng tính đến ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.
Đồng thời, trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
Ngoài thời điểm phân loại trên, các ngân hàng được tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.
Quy định mới kể trên đã rút ngắn thời gian tối thiểu các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro từ 3 tháng/lần xuống 1 tháng/lần.
Thông tư mới có hiệu lực từ 1/10 quy định các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng ít nhất một tháng/lần thay vì 3 tháng/lần như trước. Ảnh: Nam Khánh. |
Cụ thể, Thông tư 02/2013 quy định ít nhất mỗi quý một lần, trong 15 ngày đầu tiên, các nhà băng phải tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến ngày làm việc cuối cùng của quý trước.
Riêng với quý cuối cùng của kỳ kế toán năm, trong 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng cuối, ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ đến ngày làm việc cuối cùng của tháng thứ hai trong quý cuối cùng.
Cũng theo thông tư mới, NHNN quy định trong vòng 3 ngày từ khi nhận được kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của các ngân hàng, CIC sẽ tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất mà các ngân hàng đã tự phân loại và cung cấp cho các nhà băng.
Cũng sau 3 ngày kể từ ngày nhận được danh sách từ CIC, các ngân hàng phải điều chỉnh nhóm nợ theo thông tin nhận từ CIC, đồng thời điều chỉnh số tiền trích lập dự phòng rủi ro của tháng cuối cùng trong quý.
Quy định mới này cũng rút ngắn thời gian các ngân hàng phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ, trích lập dự phòng sau khi nhận được thông tin của CIC từ 5 ngày theo quy định cũ.
Ngoài ra, cơ quan quản lý vẫn giữ nguyên quy định NHNN có quyền yêu cầu các ngân hàng thực hiện việc đánh giá, phân loại lại các khoản nợ cụ thể và trích lập dự phòng đầy đủ, phù hợp với mức độ rủi ro của các khoản nợ đó.
Ngoài những thay đổi trên, Thông tư 11/2021 quy định nguyên tắc, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một ngân hàng phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ.
Với khách hàng có từ 2 khoản nợ trở lên, mà bất kỳ khoản nợ nào bị phân loại vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn, thì ngân hàng phải phân loại các khoản nợ còn lại vào nhóm có mức độ rủi ro cao nhất.
Các ngân hàng vẫn sẽ thực hiện phân loại nợ theo 5 nhóm gồm nợ tiêu chuẩn; nợ cần chú ý; nợ dưới tiêu chuẩn; nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.
Trong đó, tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ là 0% với nợ tiêu chuẩn; 5% với nợ cần chú ý trích lập; 20% với nợ dưới chuẩn; 50% với nợ nghi ngờ và trích lập 100% với nợ có khả năng mất vốn.
Thông tư cũng nêu rõ, mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.