Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hỗn loạn bủa vây tới phút cuối nhiệm kỳ của bà Liz Truss

Trước khi chính thức từ chức vào ngày 20/10, chính phủ bà Liz Truss đã trải qua một ngày đầy hỗn loạn cho tới phút cuối của nhiệm kỳ.

Liz Truss tu chuc anh 1

Chỉ trong 6 tuần sau khi được bổ nhiệm, bà Truss đã gây hỗn loạn thị trường Anh quốc với gói cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng Anh (50 tỷ USD), gây chia rẽ nội bộ đảng Bảo thủ và dẫn tới sa thải Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng.

Dù lao đao, bà Truss vẫn quyết tâm gắng gượng. AP dẫn lời thủ tướng Anh tại quốc hội hôm 19/10, tự khẳng định bà là "một chiến binh chứ không phải là kẻ bỏ cuộc" khi bà phải đối mặt với sự chỉ trích từ chính đảng Bảo thủ về kế hoạch kinh tế của mình.

Tuy nhiên, hôm 19/10 cũng chính là ngày chứng kiến thời khắc sụp đổ của chính phủ bà Liz Truss, khởi đầu 24 giờ đồng hồ đầy hỗn loạn của nền chính trị Anh.

Ngày hỗn loạn của bà Truss

Bà Liz Truss khởi đầu ngày 19/10 với thông tin lạm phát của Anh chạm mức 10,1%, cao nhất trong 40 năm, theo Los Angeles Times.

Chỉ vài giờ sau, bà Suella Braverman, Bộ trưởng Nội vụ Vương quốc Anh, thông báo từ chức. Nguyên nhân được cho là do bà đã gửi số liệu thống kê nhập cư của chính phủ bằng email cá nhân của mình cho một nghị sĩ đồng cấp, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của bộ trưởng, theo Guardian.

Những đồng minh của bà Braverman đã chỉ trích Văn phòng Chính phủ Anh ép buộc bà phải từ chức chỉ vài giờ sau khi tranh cãi với Thủ tướng Truss về việc tự do hóa các quy tắc nhập cư. Sự kiện đã khiến tình hình càng thêm hỗn loạn và khiến lãnh đạo đảng Bảo thủ phẫn nộ.

Chưa dừng lại, cuối ngày 19/10, một nghị sĩ Công đảng đã lên tiếng cáo buộc chính phủ bà Truss ép buộc các nhà lập pháp Bảo thủ bỏ phiếu ủng hộ đề xuất cho phép khai thác dầu đá phiến.

Cùng ngày, nhiều thành viên của Ủy ban 1922 - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh - đã thảo luận về số phận của thủ tướng. Một thành viên tham dự cho biết: “Hầu hết đều cho rằng bà ấy phải từ chức", theo Financial Times.

Trong bối cảnh các nghị sĩ nhanh chóng mất lòng tin ở bà Truss, bà đã yêu cầu một cuộc họp với ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 vào buổi sáng cùng ngày, theo Reuters.

Liz Truss tu chuc anh 2

Ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, thông báo rằng một số lượng lớn nghị sĩ đảng Bảo Thủ đã quyết định yêu cầu bà Truss từ chức. Ảnh: Reuters.

Hai trong số các đồng minh thân cận nhất của bà Truss - Phó thủ tướng Anh Thérèse Coffey và Chủ tịch đảng Bảo Thủ Jake Berry - đã tham dự cuộc họp.

Trong cuộc họp kéo dài một giờ, ông Brady thông báo rằng một số lượng lớn nghị sĩ đảng Bảo Thủ đã quyết định yêu cầu bà Truss từ chức. Ủy ban 1922 cũng đồng ý với họ.

Ông nói rõ rằng theo các quy tắc của ủy ban, bà sẽ được bảo vệ khỏi thử thách trong 12 tháng. Tuy nhiên, các các lãnh đạo đảng Bảo thủ có thể thay đổi quy tắc nếu cần thiết.

Sau cuộc đàm phán khủng hoảng với các lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà Truss thừa nhận sự thất bại của mình, nhường chỗ cho một nhà lãnh đạo mới trước khi Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt công bố chủ trương tăng thuế và kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công.

Khi nhiệm kỳ của bà đi đến hồi kết, các đồng nghiệp của bà Truss cho biết: "Bà ấy trông khá thoải mái. Gánh nặng đang được trút khỏi vai bà ấy".

Niềm tự hào tới giây phút cuối

Ngày 20/10, bà Truss đọc tuyên bố từ chức trước số 10 phố Downing, kết thúc 44 ngày tại vị đầy áp lực của mình. Bà chính thức trở thành thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử chính trị Anh.

Trong tuyên bố của mình, bà Truss không thể hiện bất cứ sự hối tiếc hoặc cảm xúc mãnh liệt nào. Bà cho rằng bà đã đảm nhận vai trò lãnh đạo vào thời điểm "bối cảnh quốc tế và nền kinh tế Anh đang gặp bất ổn lớn", che đậy những bước đi kinh tế sai lầm của mình.

Bà Truss vẫn khẳng định rằng bà đã đúng đắn khi theo đuổi các chính sách thúc đẩy kinh tế, tự hào về kế hoạch hỗ trợ năng lượng của mình và sự gia tăng trở lại của bảo hiểm quốc gia.

Khi được hỏi liệu có thừa nhận rằng tình hình hiện tại của Vương quốc Anh là "mớ hỗn độn" hay không, Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady cho biết: "Đây chắc chắn không phải cảnh tượng mà tôi muốn chứng kiến".

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Theo CNN, ông Brady cho biết nhà lãnh đạo mới sẽ được chọn ngày 28/10.

Trong khi cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ gần đây nhất kéo dài gần hai tháng - lâu hơn thời gian nhiệm kỳ của bà Truss - thì cuộc bầu cử tiếp theo được cho là sẽ diễn ra nhanh chóng.

Theo Guardian, cựu Thủ tướng Boris Johnson - người tức tốc trở về khi đang đi nghỉ ở Caribe - có khả năng sẽ tái tranh cử.

Liz Truss tu chuc anh 3

Cựu Thủ tướng Boris Johnson - người đang đi nghỉ ở Caribbean - có khả năng sẽ tái tranh cử. Ảnh: Reuters.

Ông Brady cũng cho biết các ứng cử viên thay thế bà Truss sẽ cần ít nhất 100 đề cử từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Yêu cầu này sẽ thu hẹp phạm vi ứng cử viên tiềm năng xuống còn tối đa ba người.

Các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu vào 15h30 ngày 24/10, với kết quả được công bố vào 18h cùng ngày. Một vòng bỏ phiếu mới vào buổi tối cũng được diễn ra nếu cần.

Các nghị sĩ trong đảng sẽ nghe ý kiến từ ứng viên trong cuộc họp nội bộ.

Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu từ chức Thủ tướng Liz Truss đã đưa ra tuyên bố từ chức vào ngày 20/10, bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing. Bà là nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh.

Bà Truss giữ nhiệm kỳ ngắn nhưng để lại vết sẹo dài cho kinh tế Anh

Bà Truss đã để lại những “vết sẹo” lâu dài cho kinh tế Anh sau khi kế hoạch của thủ tướng làm rung chuyển thị trường tài chính, chi phí đi vay tăng vọt, giá trị đồng bảng sụt giảm.

Giọt nước tràn ly trước tuyên bố từ chức của thủ tướng Anh

Nhiều nghị sĩ cho biết các sự kiện diễn ra trong phiên họp tại Quốc hội Anh hôm 19/10 là "giọt nước tràn ly", dẫn đến việc Thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ chức, theo Guardian.

Đức Mạnh

Bạn có thể quan tâm