Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 90 m3 gỗ thủy tùng đang mục nát: Bộ không trả lời

Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk đã thu giữ hơn 90 m3 gỗ thủy tùng (gỗ nhóm 1A, có tên trong Sách Đỏ thế giới) và để ngoài mưa nắng, mục nát từng ngày.

Sau nhiều cuộc họp bàn, tỉnh quyết định bán đấu giá, rồi không biết bán theo giá nào. Do vậy tỉnh “cầu cứu” Bộ NNPTNT, nhưng chờ mãi không thấy Bộ nói gì…

    Thuỷ tùng cứ như củi mục

    Thủy tùng hay còn gọi là thông nước (tên khoa học là Glyptostrobus pensilis) thuộc nhóm 1A, là loại thực vật đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách Đỏ thế giới. Hiện Việt Nam có hai quần thể thủy tùng tự nhiên là Trấp K’sơ (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) và Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo), đang được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24h bởi lực lượng kiểm lâm chính quy. 

    Do mức độ quý hiếm của nó, mỗi mét khối gỗ thủy tùng được mua lậu với giá hàng trăm triệu đồng. Trong các năm 2007-2009, “cơn sốt” thủy tùng bùng phát tại các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng. Thời điểm đó, mỗi ngày có hàng nghìn người dân lùng sục, đào bới khắp các ao hồ, sông suối để tìm những cây thủy tùng bị chết hoặc gỗ thủy tùng bị chặt bỏ, vứt đi từ nhiều chục năm trước. 

    Những khúc gỗ thủy tùng to “khủng” đang mục nát dần ở sân Nhà Văn hóa huyện Krông Năng.
    Những khúc gỗ thủy tùng to “khủng” đang mục nát dần ở sân Nhà Văn hóa huyện Krông Năng.

    Trong thời gian này, kiểm lâm các huyện đã thu giữ được 90,57 m3 gỗ thủy tùng từ các vụ vi phạm, trong đó Krông Năng 50,6 m3, Ea H’leo 23,35 m3, Krông Búk 16,62 m3. Nhưng do không có kho bảo quản, toàn bộ số gỗ này đều bị phơi mưa, phơi nắng, mục nát dần, chất lượng và giá trị giảm sút nghiêm trọng.

    Tại huyện Krông Năng, trong hơn 50 m3 gỗ thủy tùng tịch thu, có đến 35 m3 để tại sân Nhà văn hóa huyện đang mục rữa, dùng tay bóp nhẹ là gỗ tan thành bụi, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Ông Nguyễn Văn Tiếp - Hạt trưởng Kiểm lâm Krông Năng cho biết, phần lớn số gỗ này là gốc to, thân cây lớn nên không có kho nào chứa nổi, biết để ngoài trời là xuống cấp nhưng đành chịu. 

    Đã vậy, mỗi tháng hạt phải bỏ ra 300.000 đồng thuê người canh giữ đống củi mục. Cũng theo ông Tiếp, năm 2009, UBND huyện có tờ trình xin sử dụng số gỗ này làm nội thất các cơ quan của huyện, nhưng tỉnh không chấp thuận. 4 năm sau, khi gỗ mục nát nhiều hơn, huyện tiếp tục xin làm các công trình công cộng, tỉnh vẫn không đồng ý. Tương tự, hơn 40 m3 gỗ còn lại ở huyện Ea H’leo và huyện Krông Búk cũng chất đống ngoài trời ở hạt kiểm lâm, hoặc gửi sân cơ quan khác.

    Lại chờ cơ chế...

    Ông Y Sy H’Dớk - Chi cục trưởng Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là địa phương duy nhất có gỗ thủy tùng, chưa có tiền lệ xử lý, nên các cơ quan chức năng rất lúng túng. Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ có quy định “thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1A là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước thì được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại”.

    Quy định là vậy, nhưng khi áp dụng lại có nhiều ý kiến khác nhau. Sau nhiều cuộc họp bàn, nhiều văn bản tham mưu, mới đây UBND tỉnh quyết định cho bán đấu giá. Nhưng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk lại không biết bán với giá nào, vì loại gỗ này không nằm trong danh mục giá do tỉnh ban hành. 

    Cuối cùng, theo chỉ đạo của tỉnh, Sở NNPTNT có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT cho cơ chế tiêu thụ, đồng thời quy định giá bán. Nhưng đến nay, bộ vẫn chưa trả lời nên gần 100 m3 gỗ quý tiếp tục hư hao. Không chỉ vấn đề ngân sách, mà đây là những khúc gỗ thủy tùng với kích thước cực lớn, không thể tìm được trên thế giới.

    Điểm tập kết những cây xanh ở Hà Nội sau khi bị đốn hạ

    Về thông tin điểm tập kết không có nhiều thân gỗ mà đa số gốc, cây sâu mục, Phó giám đốc Công ty cây xanh Hà Nội nói: “Sẽ kiểm tra, tổng kết từ các đơn vị và báo cáo sau”.

    http://laodong.com.vn/xa-hoi/hon-90m3-go-thuy-tung-dang-muc-nat-o-dac-lac-6-nam-cau-cuu-bo-khong-tra-loi-351780.bld

    Theo Đặng Trung Kiên/Lao Động

    (Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

    Bạn có thể quan tâm