Quy hoạch đường vành đai 5 vừa được Thủ tướng phê duyệt có tổng chiều dài toàn tuyến 331,5 km (không bao gồm 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3). Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.
Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài khoảng 48 km; qua Hòa Bình hơn 35 km; Hà Nam hơn 35 km; Thái Bình 28,5 km; Hải Dương gần 53 km; Bắc Giang hơn 51 km; Thái Nguyên gần 29 km, Vĩnh Phúc 51,5 km.
Tính theo giá năm 2013, nhu cầu vốn đầu tư đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 85.561 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện, giai đoạn trước năm 2020, thông toàn tuyến đường theo các quốc lộ hiện hữu; xây dựng một số đoạn tuyến mới có nhu cầu từ 2 đến 4 làn xe; giai đoạn 2020 - 2030, xây dựng toàn tuyến theo quy mô quy hoạch của đường đạt tối thiểu 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc và quốc lộ; giai đoạn ngoài 2030, xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.
Theo quy hoạch, đường vành đai 5 chính tuyến có đường gom, đường song hành, quy mô 4 đến 6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22,5 đến 33 m.
Mục tiêu quy hoạch tuyến vành đai này nhằm hoạch định quy mô, tiến độ đầu tư cụ thể cho các giai đoạn đến năm 2020, giai đoạn 2020 - 2030 và giai đoạn sau 2030 đảm bảo tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng nguồn lực.