Trong khi căng thẳng tiếp tục leo thang ở bán đảo Triều Tiên, hàng nghìn gia đình ở hai miền vẫn đang mòn mỏi chờ cơ hội được đoàn tụ với gia đình đã bị chia cắt bởi chiến tranh.
Sau vụ thử tên lửa ngày 28/7, Triều Tiên mới đây đã không đáp lại đề nghị đối thoại của Hàn Quốc, trong đó có vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán. Hàn Quốc đã một lần nữa kêu gọi Triều Tiên chấp nhận đối thoại.
Đã không có đợt đoàn tụ gia đình hai miền nào kể từ tháng 10/2015, khi khoảng 400 người Hàn Quốc được phép gặp lại thân nhân ly tán ở Triều Tiên. Các gia đình được đoàn tụ đã ôm nhau khóc. Đằng sau họ là những câu chuyện cảm động của anh em, vợ chồng lần đầu gặp nhau sau hơn nửa thế kỷ, nhiều người ở độ tuổi trên 80 và khó nhận ra nhau.
Với những người ở tuổi "gần đất xa trời" chưa được may mắn như vậy, khả năng được ôm người thân vào lòng dù chỉ vài phút đang giảm đi từng ngày.
Cuộc chiến tranh năm 1950-1953 chia bán đảo Triều Tiên làm hai nửa với đường biên giới vũ trang dày đặc nhất thế giới đã khiến hàng triệu gia đình mất liên lạc với nhau, trong đó có cụ ông Chung Wang-ok, đang sống ở Hàn Quốc.
Những người chờ được đoàn tụ đều đã cao tuổi. Ảnh: AP. |
'Lúc qua đời, mẹ tôi vẫn nhớ anh ấy lắm'
Khi anh trai lên đường nhập ngũ trong chiến tranh Triều Tiên, ông Chung, năm nay 78 tuổi, không hề nghĩ đó có thể là lần cuối cùng gặp anh mình. Nhưng sự xa cách tạm thời giờ đã trở thành 6 thập kỷ mòn mỏi chờ đợi.
Ông Chung đã làm mọi cách để tìm ra tung tích của anh trai. Ông cũng đăng ký danh sách đoàn tụ gia đình của chính phủ Hàn Quốc nhưng vẫn vô vọng.
"Tôi muốn biết anh ấy sống chết thế nào. Mẹ tôi đã qua đời 20 năm trước. Lúc qua đời, mẹ tôi vẫn nhớ anh ấy lắm", ông nói với Yonhap. "Tôi không thể tả được nỗi khổ cùng cực khi người thân bị ly tán".
Ông Chung là một trong 60.500 người cao tuổi ở Hàn Quốc đang mong gặp lại gia đình. Vấn đề đoàn tụ gia đình trở nên cấp bách khi càng nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc qua đời và vĩnh viễn không có cơ hội gặp mặt người thân ở Triều Tiên.
Ước tính 131.200 người có gia đình ly tán đang trong danh sách chờ được đoàn tụ nhưng khoảng 54% trong số họ đã qua đời, theo số liệu của Bộ Thống nhất và Hội Chữ thập Đỏ Hàn Quốc.
62,6% số người Hàn Quốc đang chờ đợi đã trên 80 tuổi, khiến việc đoàn tụ càng trở nên cấp thiết.
Thiện chí không được đáp lại
Những người như ông Chung đã thấy tia hy vọng le lói từ những động thái của Tổng thống Moon Jae In mới lên nắm quyền tháng 5.
Tổng thống Moon nói sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nếu có "những điều kiện nhất định". Ông nói hai nước phải chấm dứt các hoạt động thù địch dọc biên giới và còn gợi ý Triều Tiên hợp tác tổ chức Olympic mùa đông 2018 do Hàn Quốc đăng cai.
Tháng trước, Seoul đã đề nghị đối thoại quân sự để giảm căng thẳng ở biên giới. Hội Chữ thập Đỏ Hàn Quốc cũng đề nghị đối thoại vào ngày 1/8, với hy vọng tổ chức một đợt đoàn tụ gia đình ngày 4/10, ngày Trung Thu và kỷ niệm 10 năm hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2.
Nhưng ngày 28/7, Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa. Ngày 1/8 qua đi mà Bình Nhưỡng không đáp lại đề nghị thiện chí của Hàn Quốc.
Người mẹ Kom Wol-soon (93 tuổi, người Hàn Quốc) khóc khi gặp lại con trai Ju Jae-un của mình (72 tuổi, người Triều Tiên). Ảnh: AP. |
Giáo sư Andrei Lankov từ Đại học Kookmin ở Seoul nói với BBC rằng có rất ít hy vọng vì dường như Triều Tiên đang gửi đi thông điệp rằng, nếu các anh vẫn thân Washington, chúng tôi vẫn sẽ không đối thoại.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Seoul trao trả 12 phụ nữ Triều Tiên làm việc cho một quán ăn của Triều Tiên ở Trung Quốc, hiện đã trốn sang Hàn Quốc vào năm ngoái.
'Tôi chỉ mong một phép màu'
Cụ ông Kim Sang Young, 81 tuổi, người Hàn Quốc, đang mong chờ được gặp lại anh trai và 2 chị gái ở Triều Tiên, những người đã bị ly tán do chiến tranh.
"Tôi đang mong đợi đoàn tụ gia đình, vừa hy vọng nhưng cũng vừa thất vọng", ông Kim nói với Yonhap.
Theo một điều tra năm 2016 của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, gần 8 trên 10 gia đình Hàn Quốc bị ly tán coi việc xác nhận tung tích người thân là ưu tiên hàng đầu. Ưu tiên thứ 2 là tổ chức đoàn tụ gia đình định kỳ, theo sau là trao đổi thư từ.
Từ năm 1985, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức 20 đợt đoàn tụ cho phép 19.800 gia đình cả hai bên được gặp mặt. Lần gần nhất diễn ra năm 2015 ở khu nghỉ mát núi Kumgang thuộc Triều Tiên.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong các năm 2005 - 2007, đã có 7 cuộc đoàn tụ qua video, giúp 3.750 người thấy thân nhân đã bị chia cắt hàng thập kỷ.
Hàn Quốc thường xuyên kêu gọi Triều Tiên đồng ý tổ chức đoàn tụ gia đình, hoặc ít nhất cho phép trao đổi thư từ. Nhưng Bình Nhưỡng không đáp lại những đề nghị này.
"Tổ chức đoàn tụ riêng lẻ chỉ với 100 gia đình mỗi bên không thấm vào đâu so với những vết thương do gia đình bị chia cắt. Họ không còn sống được lâu nữa", Shim Goo-seob nói với Yonhap. Ông phụ trách một tổ chức giúp các gia đình Hàn Quốc bị ly tán.
Hàn Quốc đã xét nghiệm ADN đối với những người bị lạc mất gia đình và lập ra một kho dữ liệu về gene để có thể tra cứu sau khi họ qua đời. Làm vậy sẽ giúp xác định quan hệ ruột thịt và xử lý việc thừa kế.
Nước này cũng đã làm các đoạn phim 10 phút từ khoảng 18.000 người, trong đó có các câu chuyện cá nhân cùng ước mong đoàn tụ. Seoul hy vọng sẽ đưa được các đoạn phim đến với thân nhân của họ ở Triều Tiên.
"Chúng tôi mong làm thêm khoảng 1.500 thông điệp video trong năm nay", Hội Chữ thập Đỏ Hàn Quốc nói.
Dù tình hình phức tạp, các gia đình vẫn không từ bỏ tia hy vọng được gặp thân nhân. "Tôi chỉ mong một phép màu. Tôi đã làm mọi thứ có thể rồi", ông Chung nói với Yonhap. "Tôi hy vọng chính phủ cũng sẽ cố hết sức. Tôi mong ước mình biết được số phận của anh trai mình".