Rừng bị tàn phá, lấn chiếm tràn lan trên lâm phần được giao cho Công ty Cổ phần Basaltstone. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN. |
Nhiều vạt rừng tự nhiên trên lâm phần giao cho Công ty Cổ phần Basaltstone (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã bị xóa sổ. Tình trạng này diễn ra trên quy mô lớn, thời gian dài nhưng không được chủ rừng ngăn chặn, xử lý hiệu quả.
Rừng liên tục bị tàn phá, lấn chiếm
Theo báo cáo mới nhất của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, sau 14 năm, 408ha rừng tự nhiên trên các lâm phần được giao cho Công ty Cổ phần Basaltstone khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ bị xóa trắng.
Doanh nghiệp này được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao gần 900ha rừng, đất rừng quản lý, bảo vệ và thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Rừng được giao thuộc 2 tiểu khu 1698 và 1706, địa giới hành chính xã Trường Xuân.
Theo ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, tháng 6/2009, Công ty Cổ phần sản xuất, chế biến Nông sản Việt (gọi tắt là Công ty Nông sản Việt, tiền thân của Công ty Cổ phần Basaltstone) được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao đất trên thực địa thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp.
Tại biên bản ký ngày 11/6/2009, Công ty Cổ phần sản xuất, chế biến Nông sản Việt thống nhất nhận bàn giao đất, rừng theo nguyên trạng. Tổng diện tích rừng, đất rừng là 898,1 ha. Trong số đó, đất có rừng tự nhiên hơn 777 ha, đất không có rừng gần 30 ha, đất nương rẫy gần 77ha, còn lại là đất khác.
Sau khi nhận bàn giao rừng, đất rừng, Công ty quản lý rừng, đất rừng kém hiệu quả. Diện tích rừng được giao liên tục bị tàn phá, lấn chiếm. Các nội dung liên quan tới sản xuất, kinh doanh, trồng rừng đều chậm tiến độ. Nhiều diện tích đất không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí.
Cụ thể, sau 5 năm ngành chức năng tỉnh Đắk Nông bàn giao đất cho Công ty Cổ phần sản xuất, chế biến Nông sản Việt, Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của doanh nghiệp này.
Kết luận thanh tra (số 3300, ngày 7/8/2014) nêu rõ, Công ty Nông sản Việt liên tục thua lỗ; các diện tích quy hoạch trồng rừng, trồng ca cao đều chưa thực hiện.
Đáng chú ý, cơ quan thanh tra xác định, tổng diện tích rừng bị tàn phá, cháy dẫn tới mất trắng gần 140 ha. Cơ quan thanh tra xác định, diện tích đất Công ty Nông sản Việt bị người dân lấn chiếm, xâm canh gần 165ha.
Một khoảnh rừng bị cạo trọc. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN. |
Năm 2017, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của Công ty Nông sản Việt. Kết luận thanh tra (số 1832/KL-STNMT, ngày 3/10/2017) nêu rõ Công ty Nông sản Việt đã để rừng bị phá, bị cháy hơn 360 ha (tức mất thêm hơn 220ha so với thời điểm Thanh tra tỉnh ban hành kết luận vào tháng 8/2014).
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cũng xác định diện tích rừng, đất rừng giao cho Công ty Nông sản Việt bị lấn, chiếm gần 375ha, chiếm gần 42% tổng diện tích rừng, đất rừng đã giao cho doanh nghiệp này.
Mới đây nhất, theo báo cáo của đoàn liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (gọi tắt là đoàn kiểm tra 415) vào tháng 10/2023, tổng diện tích rừng bị phá trên lâm phần được giao cho Công ty Cổ phần Basaltstone (trước đây là Công ty Nông sản Việt) là hơn 408 ha (tức mất thêm 48 ha so với kết luận thanh tra năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường).
Như vậy, trong 14 năm qua, diện tích rừng, nhiều diện tích đất rừng được giao cho Công ty Cổ phần Basaltstone bị tàn phá, lấn chiếm. Tổng diện tích rừng bị mất là 408/777 ha, chiếm hơn 52%. Tổng diện tích đất bị lấn chiếm gần 50% diện tích toàn dự án.
Kết quả xử lý không đáng kể
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông (tại công văn số 2050/KL-SNN, ngày 5/9/2019), tổng thiệt hại về lâm sản, môi trường đối với gần 1.200 ha rừng bị phá tại các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 138 tỷ đồng, tương đương hơn 115 triệu đồng/ha. Như vậy, hơn 408 ha rừng bị xóa trắng trên lâm phần của Công ty Cổ phần Basaltstone tương đương thiệt hại gần 47 tỷ đồng.
Trái ngược với diện tích rừng, đất rừng bị tàn phá, lấn chiếm ngày càng lớn, việc xử lý trách nhiệm của Công ty Cổ phần Basaltstone trong quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện dự án trong 10 năm qua hầu như “giậm chân tại chỗ” và các kết quả đạt được không đáng kể.
Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông có nhiều công văn yêu cầu xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại dự án của Công ty Cổ phần Basaltstone.
Trong số đó, tập trung thực hiện, xử lý, đặc biệt là hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại dự án cũng như yêu cầu Công ty Cổ phần Basaltstone (và các doanh nghiệp để mất rừng khác) bồi thường thiệt hại về rừng...
Rừng, đất rừng bị tàn phá, lấn chiếm tràn lan trên lâm phần được giao cho Công ty Cổ phần Basaltstone. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tháng 12/2022, Sở có báo cáo tổng hợp kết quả xử lý các tồn tại và việc lấn, chiếm đất tại dự án sản xuất nông, lâm nghiệp của Công ty Cổ phần Basaltstone.
Việc tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Basaltstone bồi thường thiệt hại về rừng vẫn chưa thực hiện, nguyên nhân do ngành chức năng đang chờ hướng dẫn của Trung ương.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn liên quan tới việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại lâm phần của Công ty Cổ phần Basaltstone nêu rõ, từ năm 2017 đến cuối 2022, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, chính quyền địa phương phối hợp chủ rừng chỉ phát hiện 3 vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích 0,25 ha.
Còn diện tích rừng bị phá trong thời gian này theo kết luận của thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2017 với kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành 415 năm 2023 là 48 ha.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông tiếp tục chỉ đạo đơn vị liên quan theo dõi, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Basaltstone bồi thường thiệt hại đối với 408ha rừng bị mất trắng; chỉ đạo ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường quản lý, bảo vệ rừng.
Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Song thiết lập hồ sơ, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính trường hợp lấn, chiếm đất; đồng thời, giao cơ quan Công an tiếp tục điều tra hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.