Rớt móng tại lò mổ
Lúc 16h ngày 9/7, các cán bộ Trạm Thú y huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) kiểm tra điểm tập trung gia súc của ông Lê Hữu Bình (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ). Thấy đàn heo 46 con có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng, đoàn kiểm tra làm rõ thì ông Bình cho biết, đã cho xuống 283 con heo tại cơ sở giết mổ Hoàng Phúc (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ). Ngoài ra, ông Bình còn “chia” 7 con heo khác cho cơ sở giết mổ Nguyễn Văn Đực (xã Bình Quới, huyện Châu Thành, Long An).
Nhận thấy đàn heo số lượng lớn, lại phân tán ra 3 nơi nên Trạm Thú y báo ngay về Chi cục Thú y tỉnh, sau đó kiểm tra lâm sàng cả 3 nơi và phát hiện có 204 con heo có biểu hiện lở mồm long móng. Cụ thể, heo sốt cao trên 41 độ C; mũi, lợi và viền móng có mụn nước, nhiều mụn đã vỡ, lở loét; nhiều con có móng bong tróc và long rớt móng...
Đàn heo bệnh "ung dung" vượt qua tất cả các trạm kiểm dịch dày đặc từ Bắc vào Nam. |
Do số lượng heo quá lớn, lại bệnh quá nặng không thể chần chừ trong tiêu hủy, nên Chi cục Thú y Long An lập biên bản, lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy 204 con. Đối với 132 con còn lại do chưa có biểu hiện lâm sàng bệnh nên tiến hành luộc chín toàn bộ thân thịt, phụ tạng ngay tại lò mổ.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Ngọc Châu – quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An - cho biết, vụ việc đã được lập hồ sơ báo cáo Cơ quan Thú y Vùng VI để cơ quan này chuyển hồ sơ về Cục Thú y, tiếp tục xử lý. Cũng theo ông Châu, kết quả xét nghiệm bệnh phẩm ngày 14/7 cho biết, đàn heo trên dương tính với virus lở mồm long móng serotype O. “Do chủ hàng có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như chứng nhận kiểm dịch, rồi qua 19 trạm kiểm dịch đều có kiểm tra, phúc kiểm nên chúng tôi không thể xử phạt. Trong trường hợp này, thiệt hại về kinh tế chủ hàng phải tự chịu chứ không được hỗ trợ, vì đàn heo này mua có giấy tờ, đủ thủ tục. Điều đáng trách là với những biểu hiện bệnh quá rõ, không một trạm nào phát hiện nên đàn heo này đi lọt từ Bắc vào Nam” – ông Châu nói.
Vượt 19 trạm
Theo Tổ chức Thú y thế giới, lở mồm long móng là dịch bệnh đầu tiên xếp ở bảng A – gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất cho chăn nuôi. Đối với heo, thời gian ủ bệnh từ 5 – 7 ngày, với những dấu hiệu như sốt cao trên 40 độ C, nổi mụn nước, khi bệnh nặng sẽ long móng… Như vậy, kiểm tra lâm sàng tại Long An cho thấy, đàn heo trên đã bị bệnh rất nặng (long móng ra ngoài). Trong khi đó, đàn heo này xuất phát từ Hòa Bình vào ngày 7/7, trong vòng 2 ngày đã vượt 19 trạm để đến Long An mà không trạm nào phát hiện bất thường.
Cụ thể, ngày 7/7, ông Trần Tiến Trường – Phó chi cục trưởng Thú y tỉnh Hòa Bình - và kiểm dịch viên động vật Phạm Văn Chiến đã lập thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho chủ hàng là ông Nguyễn Văn Hải (ngụ tỉnh Bắc Giang), số lượng 146 con heo được xuất ra ngoài tỉnh. Theo chứng nhận này, đàn heo đã được tiêm phòng lở mồm long móng vào ngày 20/3. Tương tự, 2 cán bộ trên cũng cấp chứng nhận kiểm dịch cho chủ hàng Phạm Văn Hậu (ngụ Thanh Hóa) số lượng 190 con, ngày tiêm phòng lở mồm long móng cũng là ngày 20/3. Hai chủ hàng này đã đưa heo lên 2 xe tải, niêm chì chở vào miền Nam giao cho ông Lê Hữu Bình.
Các trạm kiểm dịch từ Bắc vào Nam đều kiểm tra và đóng dấu đồng ý thông qua đàn heo bệnh. |
Trên đường đi, cả hai chiếc xe chở heo bệnh qua các trạm Hòa Phước, Đức Phổ, Bình Sơn, Bình Định, Nam Thừa Thiên, Thừa Thiên - Huế, Dốc Sời, Quảng Bình, Nam Quảng Bình, Bình Phú, Thuận Bắc, Bãi Trành, Hào Sơn, Kim Liên, Thạch Lâm, Ngã Ba Ông Đồn, Cù Mông… và đều được cán bộ thú y tại trạm kiểm tra, đóng dấu cho qua. Đặc biệt, hồ sơ còn thể hiện có 4 lần các trạm tiến hành phúc kiểm – cùng ngày 8/7 – tức trước ngày đàn heo phát bệnh tới mức “rớt móng” chỉ 24 tiếng đồng hồ, nhưng không một cán bộ nào phát hiện heo bệnh!
23 đơn vị phải chịu trách nhiệm!
Ngày 1/8, Chi cục Thú y tỉnh Long An đã nhận được công văn của Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận cho đàn heo bị lở mồm long móng mà Long An đã tiêu hủy. Theo đó, Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình đã truy xuất nguồn gốc, làm rõ nguyên nhân cũng như đề nghị truy trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan.
Theo công văn, khu trung chuyển heo của Cty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt Cty CP) tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bắt đầu hoạt động từ 1/5/2014, có nhiệm vụ tiếp nhận heo nuôi từ các trại của Cty CP từ các tỉnh lân cận, phân loại rồi xuất bán đi các tỉnh. Ngay sau khi Long An tiêu hủy heo bệnh, Chi cục Thú y Hòa Bình đã triệu tập Trạm kiểm dịch động vật họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Đối chiếu với các bộ giấy kiểm dịch của các Chi cục Thú y Hà Nội, Hà Nam và Phú Thọ cấp để đưa về khu trung chuyển Cao Dương từ ngày 5 - 7/7 thì số lượng không trùng khớp.
Đối chiếu lịch tiêm phòng vaccine lở mồm long móng được ghi trên các bộ giấy kiểm dịch do Chi cục Thú y Hà Nội cấp và lịch vaccine trên các bộ giấy kiểm dịch do Chi cục Thú y Hòa Bình cấp không trùng khớp về hạn sử dụng và ngày tiêm phòng.
Chi cục Thú y Hòa Bình kết luận: Việc kiểm soát heo nhập vào khu trung chuyển của Cty CP tại xã Cao Dương chưa được chặt chẽ, cán bộ kiểm dịch còn chủ quan, chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến hậu quả; công tác phối hợp giữa khu trung chuyển và cán bộ làm công tác kiểm dịch của Chi cục Thú y Hòa Bình chưa chặt chẽ, việc ghi chép lịch vaccine không đúng với hồ sơ kiểm dịch của Chi cục Thú y Hà Nội cần được làm rõ và có hình thức xử lý.
Chi cục Thú y Hòa Bình đề nghị Cục Thú y làm rõ trách nhiệm của Chi cục Thú y Hà Nội trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, đồng thời làm rõ trách nhiệm của 19 trạm kiểm dịch đã kiểm tra, phúc kiểm lô hàng trên...
19 trạm kiểm dịch bị đề nghị làm rõ trách nhiệm vì để heo LMLM đi từ Bắc vào Nam.
Liên quan đến vụ việc, ngày 1/8, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An - cho biết, vừa ký 2 quyết định khen thưởng đối với Trạm thú y huyện Tân Trụ và Trạm thú y huyện Châu Thành vì có thành tích trong công tác phòng, chống dịch, mỗi đơn vị được thưởng 1 triệu đồng.