Ngày 20/4, tại Đà Nẵng tổ chức hội thảo Nhận diện nghề môi giới bất động sản thu hút hơn 600 đại biểu, chuyên gia và các nhà đầu tư bất động sản cả nước.
Tại hội thảo, ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết cả nước có khoảng 300.000 người tham gia hành nghề này, trong đó chỉ có 35.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề.
Hội thảo Nhận diện nghề môi giới bất động sản diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: G.H. |
“Khoảng 265.000 người chưa có chứng chỉ hành nghề. Họ chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản. Nhìn chung môi giới BĐS ở Việt Nam có trình độ ở mức thấp, thiếu chuyên nghiệp và thường thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật”, ông Hoàng cho biết.
Theo ông Hoàng, các sàn giao dịch BĐS khi tuyển nhân viên môi giới đều không đòi hỏi bằng cấp, chuyên môn mà chỉ chú trọng đến kinh nghiệm bán hàng. Các nhân viên môi giới hiện nay chủ yếu coi trọng lợi ích, chạy theo lợi nhuận bằng mọi cách, dễ phản ứng thiếu văn hóa, đạo đức nghề nghiệp dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới bất động sản, trong đó có khoảng 35.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề. Ảnh: G.H. |
“Đây là nguyên nhân tạo nên sốt đất, giá ảo và bong bóng thị trường bất động sản. Tung tin thất thiệt, không chính xác và tiếp tay cho chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật, phân phối sản phẩm không đảm bảo quy định, dẫn đến rủi ro cho khách hàng”, Phó tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết.
Theo ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, hành lang pháp lý trong lĩnh vực mối giới liên tục được cập nhật và chỉnh sửa để phù hợp.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới BĐS. Chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề chưa đủ sức răn đe.