Giáo sư Phan Huy Lê - một trong những nhà nghiên cứu đầu ngành về lịch sử Việt Nam hiện nay - chỉ ra thực tế của thị trường sách Việt Nam.
Đó là thị trường sách hiện nay cực kỳ sôi động, nhất là ở hai trung tâm Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, sách chiếm ưu thế là sách nhẹ nhàng, tiểu thuyết, hồi ký, sách bán được tiền, có lãi trong kinh doanh. Đó là điều tất nhiên của thị trường.
Nhưng điều đó cho thấy đối tượng đọc các công trình khoa học không nhiều. Một cuốn sách khoa học phát hành, không phải tất cả các nhà khoa học đều đọc, thường họ chỉ quan tâm tới lĩnh vực nhỏ mà họ nghiên cứu. Số lượng người đọc không nhiều, nên số lượng sách phát hành rất ít.
Theo GS. Phan Huy Lê, sách khoa học cần được phổ biến rộng rãi hơn trên thị trường. |
“Điều đó không có lợi cho sự phát triển của dân trí, cho khoa học. Sách cần phổ biến lại vắng bóng trên thị trường. Có những cuốn in ở Hà Nội, thì ở TP HCM tìm không ra và ngược lại. Bản thân tôi nhiều khi phải nhờ bạn bè mới tìm mua được những cuốn sách khoa học”, GS. Phan Huy Lê nói.
Bởi vậy, khi biết dự án tủ sách “Thành tựu khoa học và Chuyển giao tri thức” triển khai, GS. Phan Huy Lê nhận lời tham gia.
Ông nói: “Tôi tham gia tủ sách để bày tỏ sự ủng hộ của tôi, bởi cái hay của nó là tìm và xuất bản những công trình có giá trị, và làm công việc là chuyển giao tri thức. Tức làm thế nào để nó đi vào xã hội, xã hội hóa tri thức này. Đây là một trong những khâu rất căn bản của thị trường sách hiện nay”.
GS. TS. Phan Hữu Dật, GS. Phan Huy Lê, GS. TS. Đinh Xuân Dũng (từ trái qua) trong buổi giới thiệu tủ sách "Thành tựu khoa học và Chuyển giao tri thức". |
Tủ sách “Thành tựu khoa học và Chuyển giao tri thức” do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội và công ty Sách Việt Nam thực hiện từ 3 năm nay. Ngày 11/4, chương trình giới thiệu tủ sách diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội).
Tủ sách kết nối 200 nhà khoa học có uy tín hàng đầu của các chuyên ngành tham gia biên soạn, dịch thuật, trong đó có những nhà khoa học đầu ngành như GS. Phan Huy Lê (sử học), GS. TS. Phan Hữu Dật (nghiên cứu dân tộc học), GS. TSKH. Vũ Minh Giang…
Bên cạnh đội ngũ nhà khoa học biên soạn sách, còn có 300 chuyên gia có uy tín được mời tham gia thẩm định, phản biện cho từng lĩnh vực, cuốn sách. Trong 3 năm qua, tủ sách đã thực hiện được 80 đầu sách, tổng số hơn 40.000 trang sách có tính nền tảng lý luận, chiến lược, thời sự, có khả năng ứng dụng thực tiễn cao.
Trong số những tác phẩm đó, có những bộ sách được trao tặng giải thưởng cao, có bộ sách đồ sộ do hơn 120 nhà khoa học biên soạn, có bộ sách dày hàng nghìn trang do ban biên soạn là những nhà khoa học danh tiếng, đầu ngành.
Tủ sách giới thiệu những công trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. |
Tiêu biểu như công trình Lịch sử văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận của GS. Phan Huy Lê đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Bộ sách Lịch sử Việt Nam đã đạt giải Vàng sách Hay gồm 15 tập, gần 10.000 trang, được coi là bộ thông sử lớn nhất từ trước đến nay, có giá trị cao về học thuật, trình bày đầy đủ và hệ thống về lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và nền văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến nay.
GS. TS. Đinh Xuân Dũng - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đương đại - đánh giá: “Tủ sách này tạo nên hệ thống theo từng chủ đề khoa học. Từ đó nó chuyển tải tri thức mang tính hệ thống tới người đọc, chứ không rời rạc. Các tác phẩm có trong tủ sách này đều có nội dung chất lượng cao”.
Theo GS. TS Đinh Xuân Dũng, việc phát hành tủ sách này góp phần nâng cao, củng cố văn hóa cho người đọc. Với tác giả sách là các nhà khoa học, nó kích thích họ tiếp tục nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong khoa học xã hội và nhân văn.
Hơn nữa, kiến thức trong tủ sách giúp tuyên truyền về mặt quốc tế, để khẳng định những vấn đề về văn hóa, ngôn ngữ, biển đảo, chủ quyền Việt Nam.