Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 15.000 người chết ở châu Âu do liên quan đến sóng nhiệt

Báo cáo thường niên năm 2022 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy ít nhất 15.700 ca tử vong ở châu Âu vào năm qua có liên quan đến sóng nhiệt.

Sóng nhiệt đã tấn công nhiều nước châu Âu trong mùa hè năm 2022. Ảnh: Reuters.

NDTV dẫn báo cáo của WMO cho biết vào năm qua, châu Âu đã trải qua nhiều đợt nắng nóng.

Trong mùa hè, hàng nghìn ca tử vong, bao gồm khoảng 4.600 ca ở Tây Ban Nha, 4.500 ca ở Đức, 2.800 ca ở Anh từ 65 tuổi trở lên, 2.800 ca ở Pháp và 1.000 ca ở Bồ Đào Nha, có liên quan đến nắng nóng bất thường, báo cáo cho biết. Đợt nắng nóng đặc biệt nhất xảy ra vào giữa tháng 7/2022.

Hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt đã ảnh hưởng đến người dân ở mọi châu lục và quốc gia, đồng thời gây thiệt hại hàng tỷ USD, báo cáo nêu. Băng biển ở Nam Cực đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận, một số sông băng đã tan chảy ở mức cao.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 năm qua ở mức cao nhất từng được ghi nhận. Vào năm 2022, nhiệt độ cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850-1900.

"Trong khi lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng và khí hậu tiếp tục thay đổi, dân số trên toàn thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết trong tuyên bố hôm 21/4.

"Ví dụ, vào năm 2022, hạn hán liên tục ở Đông Phi, lượng mưa kỷ lục ở Pakistan và các đợt nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc và châu Âu đã ảnh hưởng đến hàng chục triệu người, dẫn đến mất an ninh lương thực, thúc đẩy di cư hàng loạt và gây thiệt hại hàng tỷ USD", ông Taalas nói.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết dữ liệu thời gian thực từ các địa điểm cụ thể cho thấy nồng độ của ba loại khí nhà kính - carbon dioxide, methane và nitrous oxide - tiếp tục tăng vào năm 2022.

Vào năm qua, Trung Quốc chứng kiến đợt nắng nóng kéo dài và trên phạm vi rộng nhất kể từ khi bắt đầu thống kê. Đợt nắng nóng kéo dài từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8/2022 và dẫn đến mùa hè nóng nhất trong lịch sử.

Đây cũng là mùa hè khô hạn thứ hai từng được ghi nhận, với hầu hết nửa phía Nam của Trung Quốc - ngoại trừ tỉnh Quảng Đông - có lượng mưa theo mùa thấp hơn mức trung bình 20-50%.

Theo Reuters, nhiệt độ lên tới gần 40 độ C trở lên từ Paris đến London vào năm 2022. Về vấn đề này, các nhà khoa học khí hậu thuộc tổ chức Phân bổ Thời tiết Thế giới nhận định rằng nhiệt độ cao như vậy sẽ "hầu như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Vì sao sóng nhiệt đầu mùa ở châu Á đáng báo động?

Tình trạng nắng nóng sớm ở các quốc gia châu Á khiến nhiều người không kịp thích nghi, gây ra nhiều hệ lụy.

Người Việt lo ngại giữa làn sóng nhiệt lịch sử ở châu Á

Người Việt tại Thái Lan và Philippines cảm thấy đôi chút khó chịu với nắng nóng, đồng thời bày tỏ lo ngại cho sức khỏe giữa lúc sóng nhiệt càn quét phần lớn châu Á.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm